Mỹ muốn bảo vệ đồng minh châu Á bằng tên lửa SM-3

Mỹ dự định điều thêm các tàu chiến trang bị tên lửa SM-3 Block IIA đến châu Á vào năm 2018, sau khi triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc.

Tên lửa SM-3 Block IIA trong đợt thử nghiệm tháng 2

Sau khi Triều Tiên phóng đồng loạt 4 tên lửa đạn đạo hôm 6/3, Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, hệ thống này lại không thể bảo vệ được Nhật Bản trước mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

"THAAD sẽ cải thiện năng lực phòng thủ Hàn Quốc, bảo vệ các lực lượng Mỹ triển khai tại đây nhưng không có tầm bắn đủ xa để bảo vệ Nhật Bản", Bruce Klingner, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Quỹ Heritage cho biết.

Để khắc phục lỗ hổng trong lá chắn tên lửa này, Mỹ dự định triển khai các tàu chiến mang tên lửa đánh chặn RIM-161 SM-3 Block IIA đến khu vực Đông Á để tăng cường năng lực bảo vệ đồng minh vào năm 2018, theo Defense One.

SM-3 được mệnh danh là "sát thủ diệt tên lửa đạn đạo từ ngoài vũ trụ", tương thích với hệ thống chiến đấu Aegis đang triển khai trên nhiều chiến hạm của Mỹ và đồng minh. Washington đã trang bị Aegis trên 33 tàu chiến, trong đó 16 chiếc hiện diện ở Thái Bình Dương. Đến năm 2020, hệ thống Aegis cũng sẽ được tích hợp trên 4 tàu khu trục của Nhật Bản.

Điểm khác biệt giữa THAAD và SM-3 nằm ở tầm đánh chặn. Hệ thống THAAD được thiết kế để tiêu diệt tên lửa khi chúng hạ thấp độ cao dưới 100 km trong bầu khí quyển, trong khi SM-3 sẽ đánh chặn mục tiêu từ ngoài bầu khí quyển. Bởi vậy, SM-3 có thể bảo vệ khu vực rộng hơn THAAD.

Đây là lý do khiến chính quyền cựu tổng thống Obama coi SM-3 là công cụ kiềm chế tham vọng tên lửa của Triều Tiên, đặc biệt là các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Tàu USS Hopper phóng thử tên lửa SM-3. Ảnh:Raytheon.

Phiên bản SM-3 Block IIA được Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) và tầm xa (IRBM). Nó nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, có thể phóng từ tàu chiến hoặc tổ hợp đánh chặn trên đất liền.

Hồi tháng 2, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) và tập đoàn Raytheon đã phóng thử biến thể Block IIA từ một tàu chiến ngoài khơi Hawaii, phá hủy thành công tên lửa đạn đạo tầm trung đang bay, đánh dấu một bước tiến mới trong chương trình này. Khi kết hợp với THAAD, Mỹ sẽ sở hữu năng lực phòng thủ đủ sức đối phó tên lửa đạn đạo tầm trung ở nhiều độ cao khác nhau.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Trên lý thuyết, biện pháp răn đe này có thể khiến Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa, nhưng không thể bảo đảm tên lửa Triều Tiên sẽ bị phá hủy hoàn toàn ngoài bầu khí quyển. Đây sẽ là sự triển khai lãng phí và không thể trấn an cộng đồng quốc tế.

"Việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên bằng các chiến hạm Aegis là hành vi gây hấn và liều lĩnh", Bruce Bennett, chuyên gia phân tích ở Viện nghiên cứu RAND, cảnh báo.

Vụ phóng cùng lúc 4 tên lửa của Triều Tiên hôm 6/3. Ảnh:KCNA.

Trong khi đó quan sát viên kiểm soát vũ khí Mark Gubrud cho rằng việc triển khai chiến hạm trang bị SM-3 tới Đông Á sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc và Nga. "Các nước này coi SM-3 là mối đe dọa tới khả năng đáp trả đòn tấn công phủ đầu của Mỹ trong tương lai, dẫn đến nguy cơ chạy đua vũ trang", Gubrud nói.

Lầu Năm Góc tỏ ra lo lắng về khả năng Triều Tiên và các đối thủ tiềm tàng sử dụng tên lửa nhiều đầu đạn hoặc mồi bẫy để đánh lừa hệ thống đánh chặn. Hệ thống THAAD và SM-3 Block IIA, cùng các biến thể mới cho thấy công nghệ không giúp chấm dứt chạy đua vũ trang nếu không có chính sách răn đe phù hợp đi kèm, Gubrud nhấn mạnh.

Chuyên đề