"Muốn nhà đầu tư ngoại mở hầu bao, cần gỡ từ "nút thắt" hạ tầng"

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, muốn nhà đầu tư ngoại “mở hầu bao” vào các đặc khu kinh tế thì Chính phủ phải hỗ trợ, đầu tư ban đầu về hạ tầng, đây là vấn đề rất đau đầu, nếu không có quyết tâm, đưa ra đường hướng cụ thế thì chính chúng ta tự đẩy mình vào những vòng luẩn quẩn.
Vân Đồn nhìn từ trên cao.
Vân Đồn nhìn từ trên cao.

Trao đổi về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng cơ chế vượt trội nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các đặc khu kinh tế tại Việt Nam, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đã phân tích những rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó, cần phải gỡ các nút thắt để tạo một cơ chế thông thoáng, làm bước đệm vững chắc xây dựng đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong.

PV: Trên thế giới, rất nhiều nước đã sử dụng "đặc khu kinh tế" như chiến lược quan trọng để "hút dòng tiền" nước ngoài, theo ông công thức làm nên thành công gồm những yếu tố nào?

TS. Phan Hữu Thắng: Công thức cho một mô hình đặc khu kinh tế thành công, đó là chính sách phải đặc biệt, hơn hẳn cái hiện có. Vị trí địa lý của một khu kinh tế mở cực kỳ quan trọng, phải thuận lợi trong việc kết nối bằng tất cả các phương tiện. Khu kinh tế đó phải có đủ các tiềm năng bao gồm tiềm năng về tài nguyên, đất đai, nguyên liệu đầu vào, du lịch...

Nguồn nhân lực có bảo đảm nhanh, mạnh, đủ hay không (cả lao động giản đơn và lao động có tay nghề); Các khu vực xung quanh có liên kết được không; Thể chế quản lý nhà nước phải thuận lợi nhất, năng động nhất, công tâm nhất, hiệu quả nhất. Thể chế đó phải khác với tất cả các tỉnh thành phố khác của Việt Nam và nhiều đặc khu kinh tế trên thế giới.

Có đủ cơ sở hạ tầng cứng: điện, nước (phục vụ sản xuất kinh doanh) và cơ sở hạ tầng mềm (dịch vụ); Có chiến lược và mục tiêu rõ ràng của từng khu; Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi có tính cạnh tranh quốc tế.

Quan trọng hơn nữa, muốn nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng thị trường từ đó “mở hầu bao” thì phải đầu tư từ hạ tầng giao thông (sân bay, đường xá,..). Điều này có nghĩa là Chính phủ phải có sự hỗ trợ về đầu tư ban đầu... Đó là những yếu tố tạo nên thành công cho sự phát triển, thu hút của một đặc khu kinh tế. Ngược lại, mô hình thất bại là mô hình không đáp ứng được những nhân tố nêu trên.

TS. Phan Hữu Thắng.

PV: Đâu là những “rào cản” trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các đặc khu kinh tế tại Việt Nam?

TS. Phan Hữu Thắng: Thứ nhất về vị trí: Vân Đồn chưa đáp ứng được; Bắc Vân Phong tạm ổn (gần nhiều thành phố lớn, nhiều cảng); Phú Quốc độc lập, về cơ bản tạm được nhưng lại xa các trung tâm kinh tế phát triển, sân bay có nhưng chưa phát triển hiện đại, các chuyến bay quốc tế ít, chủ yếu là các chuyến bay nội địa, bến cảng lớn chưa có.

Thứ hai, các chính sách cho đặc khu kinh tế tại Việt Nam chưa cạnh tranh và chưa có sự khác biệt so với thế giới. Bởi về nguyên tắc, Việt Nam áp dụng các luật liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong khi các quốc gia khác trên thế giới cũng đã áp dụng giống Việt Nam. Có chăng, những chính sách áp dụng đối với các đặc khu kinh tế của Việt Nam có tiến bộ hơn so với những chính sách đầu tư trong nước như Luật Đầu tư.

Vấn đề giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh, Dự thảo luật cho phép Nhà đầu tư được lựa chọn luật nước ngoài, trong khi các khu kinh tế mở ở nước ngoài đã được lựa chọn luật nước ngoài từ lâu.

Thứ ba, ngành nghề kinh doanh cũng không có gì mới so với ngành nghề các khu kinh tế khác.

Thứ tư, thủ tục đầu tư kinh doanh, UBND của địa phương có đặc khu kinh tế phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt dự án của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi Hàn Quốc, Singapore... thực hiện phân cấp toàn diện luôn.

Đối với chính sách sở hữu nhà ở, sử dụng đất đai, Dự thảo Luật mới cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với đối với một số ngành, nghề ưu tiên phát triển. Cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài.

Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một bất cập trong dự thảo do tồn tại nhiều rủi ro khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn mà tài sản đang được tổ chức nước ngoài trưng dụng và sở hữu. Hơn nữa, chính sách này cũng không có gì khác biệt vì nước ngoài cũng làm rồi.

Về mô hình tổ chức hành chính, có một số ý kiến cho rằng nên phân cấp đặc khu thành một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, tuy nhiên nếu trực thuộc tỉnh quá thì không thể tạo ra sự đột phá, vẫn phải qua một cấp quản lý nữa và đồng nghĩa với việc phải nằm dưới sự quản lý của quy định chung hiện hành, tạo nhiều ràng buộc chứ không còn là yếu tố mở mà các đặc khu kinh tế cần có.

Vì vậy Chính phủ đang xem xét bổ nhiệm trưởng đặc khu riêng, không chịu sự quản lý của cấp tỉnh nữa. Tuy nhiên còn phải thảo luận và trình Quốc hội.

PV: Vậy chúng ta cần có những đột phá nào gì về thể chế để thu hút FDI cho phát triển đặc khu kinh tế, thưa ông?

TS. Phan Hữu Thắng: Để cạnh tranh hay hợp tác phát triển, Việt Nam cũng phải bắt kịp xu thế của thế giới, chủ động xây dựng, kiến tạo một mô hình đặc khu kinh tế mới với những thể chế, chính sách vượt trội, môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch. Trong đó, việc xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của các đặc khu.

Về cơ bản, ý chí chính trị chúng ta đã có, mục tiêu đã xác định đúng hướng, quyết tâm tạo ra sự đột phá của Chính phủ là rất mạnh mẽ. Việc bây giờ cần làm là đưa ra khung chính sách ưu đãi cụ thể dựa trên việc so sánh những gì chúng ta đã có và chưa có so với quốc tế, rút ra kinh nghiệm từ những bài học, thất bại của chính chúng ta và thế giới.

Để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào các đặc khu kinh tế của Việt Nam, cần phải xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng như sân bay, đường xá,…hiện đại, đào tạo lực lượng lao động tại các vùng, tỉnh lân cận các đặc khu để chuẩn bị nguồn nhân lực dồi dào cho nhu cầu về nhân công của các doanh nghiệp trong đặc khu kinh tế.

Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế là 1 trong 3 khâu đột phá của Kiên Giang trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016 – 2020.

Đây là một vấn đề rất đau đầu, nếu không có quyết tâm, đưa ra đường hướng cụ thế cũng như lường trước những vấn đề có thể xảy ra thì chính chúng ta tự đưa chúng ta vào những vòng luẩn quẩn.
Ví dụ nếu không quy định tỷ lệ phần trăm số nhà đầu tư được đầu tư vào đặc khu sẽ dẫn đến chênh lệch rất lớn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; Không quy định bao nhiêu phần trăm nhà đầu tư Trung Quốc, bao nhiêu phần trăm nhà đầu tư Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ dẫn đến mất cân bằng về tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài tại các đặc khu kinh tế.

Chúng ta cũng phải tính đến việc đưa ra ưu đãi quá hấp dẫn cho các đặc khu so với ưu đãi của các khu vực khác sẽ dẫn đến hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiện nay sẽ bỏ chỗ cũ để đầu tư vào chỗ mới nhằm hưởng ưu đãi lớn hơn.

PV: Theo ông, những điều kiện thông thoáng nhằm thu hút đầu tư của các đặc khu kinh tế nước ngoài đặt ra những thách thức nào đối với các quốc gia đi sau như Việt Nam?

TS. Phan Hữu Thắng: Áp lực cho Việt Nam hiện nay là phải làm sao để những cơ chế phát triển đặc khu kinh tế phải vượt trội hơn, phải đặc biệt hơn mới có thể thu hút được dòng vốn nước ngoài. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có gì gọi là đột phá khác biệt so với các nước trên thế giới.

Mặc dù vậy, lợi thế mà Việt Nam đang có là thị trường mới nổi, có nhiều tiềm năng về công nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng, có cơ chế chính sách mở đối với sở hữu nhà ở và BĐS đối với người nước ngoài.

Chúng ta là nước đi sau, đó cũng là cơ hội để chúng ta rút ra được nhiều bài học từ các mô hình thất bại và thành công trên thế giới.

PV: Việc thực hiện miễn thuế tại các đặc khu kinh tế, liệu Việt Nam có thể thực hiện được không, thưa ông?

TS. Phan Hữu Thắng: Thực hiện ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư khi đầu tư vào đặc khu kinh tế là có thể thực hiện được nếu Việt Nam thực sự muốn đột phá.

Tuy nhiên, theo tôi nên ưu đãi nhưng ở một mức nhất định vì mình không phải nhà giàu. Cái quan trọng là phải “cởi trói” mọi thủ tục hành chính, tạo môi trường sống và kinh doanh tốt, chính sách thông thoáng, ổn định và có thể tiên liệu được, chuẩn bị mọi bước đệm cho việc xây dựng đặc khu kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Đánh giá về hiệu quả của 3 đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết:

Kết quả đánh giá cho thấy dự kiến sau giai đoạn 2020, các đặc khu sẽ đóng góp về thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người.

Cụ thể tại đặc khu Vân Đồn, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Vân Đồn cũng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030 khi các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030. Thu nhập bình quân đầu người tại đây cũng tăng lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.

Tại đặc khu Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế, phí và 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030; mức thu nhập bình quân đầu người cũng đạt khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.

Tại đặc khu Phú Quốc, ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030; mức thu nhập bình quân đầu người được nâng lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.

Ngoài ra, theo tính toán của các địa phương, việc áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội phát triển đặc khu sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể như tới năm 2030, Vân Đồn tạo thêm việc làm mới cho khoảng 132.000 người với mức lương bình quân là 9.500 USD/năm; Bắc Vân Phong tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân là 9.000 USD/năm. Còn Phú Quốc tạo thêm việc làm mới cho khoảng 57.600 người.

Chuyên đề