Nhiều doanh nghiệp đầu ngành ứng phó với đại dịch bằng cách tiết giảm chi phí, tìm hướng đi mới và tái cấu trúc doanh nghiệp hiệu quả hơn. Ảnh: Việt Trần |
Tìm “cơ” trong “nguy”
Trong khủng hoảng do đại dịch, DN buộc phải lựa chọn: hoặc phá sản hoặc thay đổi mô hình để tiếp tục tham gia cuộc chơi, phát triển, hoặc chí ít có thể tồn tại chờ qua đại dịch.
Trước cảnh “khổ” đầu vào lại “bí” đầu ra vì dịch bệnh, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phải thốt lên: “Đây quả là một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động của Vinatex”.
Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”, Vinatex cùng một số DN trong lĩnh vực dệt may xoay sở hướng đi mới với việc đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang. Một trong 3 điều quan trọng để vượt khó thời dịch được ông Trường chia sẻ, đó là “đi vào những ngả đường mà chúng ta chưa bao giờ đi”.
Thực tế, trong gần 3 tháng qua, Vinatex đã tổ chức sản xuất những mặt hàng chưa từng sản xuất như khẩu trang phòng dịch và sắp tới là khẩu trang y tế, quần áo y tế cho bác sĩ, bệnh nhân, quần áo phòng dịch.
Không “cứu” được toàn bộ doanh thu, nhưng việc sản xuất khẩu trang giúp Vinatex giảm bớt khó khăn đối với việc bị hoãn, dừng, hủy đơn hàng kể từ đầu tháng 3 đến nay. Trong số các đơn vị thành viên của Vinatex, có DN như Tổng công ty May 10 đã nhận được đơn hàng vài chục triệu USD.
Một “ông lớn” khác là Tập đoàn Vingroup cũng đang chịu những tổn thất lớn vì đại dịch. Trong khi mảng sản xuất của Vingroup thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng, thì dịch vụ du lịch giải trí, nghỉ dưỡng của Tập đoàn ước cũng thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng do đóng cửa đồng loạt.
Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, Vingroup cho ra mắt mô hình bán bất động sản online. Lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện mô hình bán nhà với 1 cú “click” chuột. Mô hình kinh doanh này ứng dụng công nghệ cao, kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng thông qua màn hình máy tính hoặc điện thoại. Được biết, ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, đã có hơn 32 nghìn lượt truy cập và 200 căn hộ được giao dịch thành công.
Vinamilk - một “đại gia” ngành sữa cũng đã tạo ra những điểm sáng với việc nỗ lực tìm thị trường mới. Ông Võ Trung Hiếu - Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết, tuy vừa phải sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch và cách ly xã hội, vừa phải bảo đảm cung ứng đầy đủ sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước, nhưng Công ty vẫn tập trung nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Cùng với hợp đồng xuất khẩu sữa có giá trị hàng chục triệu USD với một đối tác tại Gulfood Dubai vào đầu năm nay, thì sự kiện lần đầu tiên xuất khẩu sữa đặc sang Trung Quốc của Vinamilk là tín hiệu lạc quan không chỉ đối với DN mà với cả nền kinh tế nói chung.
Dù gặp không ít trở ngại do đại dịch Covid-19 nhưng mỗi đóng góp như vậy của DN sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bớt giảm tốc.
Các chuyên gia cho rằng, ứng phó với đại dịch Covid-19, khủng hoảng chưa từng có, cần giải pháp chưa từng có. Theo đó, DN dù nhỏ hay lớn đều không thể duy trì mãi cách làm kinh tế cũ, mô hình cũ để dẫn dắt cuộc chơi.
Đóng cửa chỉ là giải pháp cuối cùng
Theo đó, 65,5% số DN được khảo sát thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% số DN phải cắt giảm lao động; 34% phải cắt giảm lương nhân công, lao động và 34,5% phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% số DN cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% số DN thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Để vượt qua khó khăn này, mỗi DN sẽ chọn những cách thức phù hợp. Tại một DN sử dụng lượng lao động khổng lồ như Vinatex, việc cân nhắc các biện pháp này gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Tiến Trường chia sẻ, trên tinh thần không sa thải người lao động, nhưng giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, Vinatex kêu gọi tinh thần đoàn kết, chung tay của người lao động, cùng DN vượt qua thách thức đại dịch, DN tồn tại thì người lao động còn việc làm, còn nguồn sống. Tập trung cao độ bảo toàn sức khỏe người lao động trong lúc có dịch. “Cả lãnh đạo và công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập, nhưng vẫn phải đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định, trên tinh thần cùng nhau gắn bó vượt qua điểm đáy của thị trường. Thời điểm khó khăn là lúc cần sự sáng tạo, tiết kiệm mọi chi phí, năng suất, chất lượng tốt hơn dù thời gian, số lượng công việc có thể ít đi”, ông Trường nói.
Không chỉ Vinatex, nhiều DN đầu ngành khác trên thị trường cũng ứng phó với đại dịch bằng cách tiết giảm chi phí, tái cấu trúc DN hiệu quả hơn.
CEO Đặng Đức Thành, Giám đốc Học viện Khởi nghiệp Thành công (ISS), Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí là biện pháp quan trọng để DN đối phó với dịch Covid-19. Theo đó, DN cần rà soát lại toàn bộ chi phí và thực hiện giảm, cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Chi phí thuê văn phòng, thuê mặt bằng bán hàng có thể cắt giảm ngay hoặc đàm phán để được miễn, giảm. Chi phí quảng cáo, marketing có thể tạm dừng. Chi phí hành chính có thể cắt giảm khi thực hiện làm việc online và giảm số nhân viên. “Đây là biện pháp rất “cổ điển” nhưng rất hữu ích và bắt buộc DN phải thực hiện khi đối mặt với khó khăn về nguồn cung và thị trường”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng, đây là cơ hội để thực hiện tái cấu trúc DN. Thực hiện tái cấu trúc như thế nào tùy thuộc vào quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của DN. Đối với DN ở quy mô vừa và lớn thì đây là thời gian phù hợp để thực hiện tái cấu trúc toàn diện hoặc bộ phận DN thông qua cải tiến tổ chức bộ máy, quy trình; xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm mới; đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động… chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển cao hơn khi dịch bệnh kết thúc.