Mục tiêu ổn định tỷ giá đối diện thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước biến động trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND để góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Dù vậy, việc giữ cho giá trị đồng nội tệ không biến động quá lớn cần đảm bảo hài hòa với diễn biến trên thị trường tài chính thế giới, cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước và dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá khoảng 3% so với USD. Ảnh: Lê Tiên
Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá khoảng 3% so với USD. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 15/9, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết giá mua vào - bán ra đồng USD ở mức 23.430 - 23.740 đồng, tăng 50 đồng so với ngày trước đó. Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đồng bạc xanh được mua vào - bán ra ở mức 23.455 - 23.735 đồng, tăng 40 đồng.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là 1 USD tương ứng 23.277 VND, tăng 20 đồng so với ngày 14/9. Với biên độ +/- 3% đang được áp dụng, đồng USD được giao dịch trong khoảng 22.579 - 23.974 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá khoảng 3% so với USD.

NHNN cho biết, luôn chú trọng điều hành chính sách theo hướng chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong bối cảnh tình hình cung cầu ngoại tệ nhiều thời điểm diễn biến bất lợi, tạo áp lực lớn lên công tác điều hành tỷ giá và ổn định thị trường ngoại tệ. NHNN đã thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt để giúp hấp thu tốt các cú sốc bên ngoài trong khi vẫn giữ ổn định thị trường ngoại tệ.

Nhờ đó, tỷ giá USD/VND khá ổn định, trong khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác mất giá mạnh so với đồng USD, đơn cử, đồng yên Nhật mất giá gần 20%; đồng euro mất giá khoảng 7,3%...

Từ nay đến cuối năm, lực đẩy tỷ giá USD/VND vẫn còn lớn do sức ép từ xu hướng tăng lãi suất trên thị trường tài chính thế giới, đặc biệt Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm 0,75 điểm % trong cuộc họp ngày 21/9 tới.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, VND giảm giá khoảng 3% so với USD là kết quả của những động thái điều hành tỷ giá hợp lý, cân đối với nguồn dự trữ ngoại hối và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Điều đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

“VND giảm giá sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu song lại bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhập khẩu khá nhiều hàng hóa. Như vậy, biến động tỷ giá lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Mặt khác, giá trị VND ổn định sẽ giảm rủi ro nhập khẩu lạm phát”, ông Linh nói.

Trong thời gian tới, theo vị chuyên gia này, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, bài toán tỷ giá sẽ không dễ dàng với cơ quan điều hành. Trong đó, phải xử lý mối quan hệ tương quan với lãi suất, cân đối nguồn dự trữ ngoại hối, “cân đong” cẩn trọng giữa các công cụ điều hành để đảm bảo hài hòa các mục tiêu, trong đó có cả việc đảm bảo không bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, từ nay đến cuối năm, việc tiếp tục giữ ổn định tỷ giá sẽ rất khó khăn. “Nếu để VND giảm giá nhiều sẽ ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động nhập khẩu, còn giữ giá VND thì cần nguồn dự trữ ngoại hối rất lớn để can thiệp thị trường và đối diện với rủi ro bị cáo buộc thao túng tiền tệ. Trong khi đó, nếu tăng lãi suất để hạn chế áp lực phải giảm giá đồng nội tệ thì doanh nghiệp sẽ kêu khó. Do đó, nhiều khả năng cơ quan chức năng sẽ chọn giải pháp vừa tăng lãi suất vừa tăng tỷ giá. Mức tăng tỷ giá thêm 1 điểm %, tương ứng 4% trong cả năm nay, đồng thời tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % là phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam và tương quan với kinh tế thế giới”, ông Hiếu nói.

Chuyên đề