Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp báo chiều 17/8 về trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh: BNEWS |
Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thông tin, ngay sau khi xảy ra việc phản đối thu phí tại trạm thu phí Cai Lậy, những ngày qua, lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị chuyên môn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư để giải quyết các vướng mắc.
Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt rất nhiều câu hỏi cho người phát ngôn của Bộ, trong đó những nội dung được chủ yếu được đặt ra là vị trí đặt trạm, về cách thức đầu tư, mức phí … của dự án tuyến tránh Thị xã Cai Lậy nói riêng và các bất cập về đầu tư BOT nói chung.
Về vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy, Thứ trưởng Đông cho hay, với các trạm thu phí mới xây dựng gần đây đều phải nằm trong phạm vi dự án, các dự án trước đây có trạm chưa đúng vào dự án đã được thu xếp lại. Với dự án Cai Lậy, ông Đông khẳng định, vị trí đặt trạm hiện nay được đặt trong dự án và đã được sự đồng ý của các bộ ngành, địa phương, hội đồng nhân dân và đoàn đại biểu nhân dân địa phương.
Về vấn đề thời gian thu phí sau khi quyết định giảm mức phí như Bộ Giao thông Vận tải mới công bố chiều 16/8, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý các dự án Đối tác công tư (PPP – Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện lưu lượng xe qua trạm Cai Lậy chưa ổn định nên chưa thể tính toán được thời gian cụ thể, ước lượng sẽ kéo dài sẽ kéo dài 12-14 năm (hiện là 8,5 năm).
Trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh: Internet
Về nội dung được các phóng viên quan tâm là mức phí dự án Cai Lậy cao hơn dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh -Trung Lương, Thứ trưởng Đông giải thích là do sự khác biệt giữa hai phương thức thu phí (đó là thu phí kín với cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương) và thu hở (đối với dự án BOT trên quốc lộ như trạm Cai Lậy) và phương án tài chính của dự án.
Nhiều nhà báo đặt câu hỏi, thảm mặt đường Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy không lớn (khoảng trên 300 tỷ đồng), vì sao Bộ Giao thông Vận tải không lấy chi phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để chi trả, ông Đông giải thích, Quỹ bào trì chỉ thực hiện việc bảo trì mặt đường như “vá, láng” mặt đường chứ không đủ kinh phí để chi cho việc sửa chữa nâng cấp.
Về trách nhiệm để xảy ra việc này, ông Đông cho hay, các vấn đề phát sinh đều có điều khoản trong hợp đồng. Khi xảy ra vấn đề, nhà đầu tư phải có trách nhiệm trước tiên, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm và đã cử Tổng cục đường bộ Việt Nam, địa phương cũng có trách nhiệm. Nếu sai hình sự sẽ đề nghị xử lý hình sự Tuy nhiên, chưa phát hiện ra sai hình sự.
Thứ trưởng Đông thừa nhận: “Đã có những bất cập trong đầu tư theo hình thức BOT nên chưa được người sử dụng đồng thuận. Việc này đã được Quốc hội nêu ra và Bộ Giao thông Vận tải đang xử lý”.
Về nội dung kéo dài thời gian thu phí sẽ kéo theo lãi ngân hàng tăng và người dân là đối tượng phải chịu khoản lãi này. Ông Đông cho rằng điều này đúng. Tuy nhiên, phải có phương án tài chính để tính toán và chưa biết sẽ diễn biến ra sao.
Về đề nghị chuyển trạm Cai Lậy ra đường tránh, ông Đông cho hay, trạm này đang đặt trong dự án. Việc dùng ngân sách để mua lại phần nội thị Cai Lậy sẽ không đủ kinh phí, vì ngân sách cấp cho ngành giao thông vận tải rất hạn chế. “Đây là một kênh thu hút vốn, chúng ta không có tiền để mua, Bộ Giao thông Vận tải còn nợ nhiều lắm. Nếu trả khoản kinh phí những năm trước sẽ không cần làm gì cũng đủ khả năng giải ngân”, ông Đông chia sẻ.
Nội dung mà dư luận cũng quan tâm những ngày qua là dự án đã chuyển 2 cầu trên Quốc lộ 1 thành 2 cống tại dự án, lý giải việc này, người phát ngôn của Bộ cho biết, đây là vấn đề kỹ thuật. Ban đầu, dự án đưa ra làm 2 cầu, khi thiết kế thì làm hai cống. Việc chuyển này sẽ giảm chi phí đầu tư của dự án qua đó giảm thời gian thu phí.
Trả lời phóng viên về các dự án BOT hiện nay chủ yếu “không lối thoát”, không có lựa chọn cho người dân, ông Đông nói: “Thực tế ngân sách Nhà nước không có. Bộ Giao thông Vận tải lo ngại, tới đây, ngay cả kinh phí để thảm lại mặt đường cũng không đủ mà phải xã hội hóa. Tuy nhiên, tới đây Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung các dự án làm tuyến mới, hiện đại, thu phí kín.
Về chất lượng, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, các bước thực hiện của dự án đều được Cục giám sát chặt chẽ. Hiện dự án đang được hoàn công.
Về hành lang pháp lý của BOT, ông Đông cho hay hiện đang có nghị định. Tuy nhiên chưa giải quyết được vấn đề. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị Chính phủ xây dựng Luật Đối tác công tư. Luật này mới có thể giải quyết các bất cập hiện nay như bắt buộc nhà đầu tư phải nộp ngay số tiền.
“Là người dân ai cũng muốn miễn phí. Các nước phát triển ở châu Âu hộ có nhiều kinh phí nên hầu như không thu phí. Nhưng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, thậm chí là Hàn Quốc vẫn xây dựng các dự án theo hình thức BOT. Hiện ngân sách Trung hạn dành cho ngành giao thông chỉ đáp ứng được 30%, còn lại 70% này đang trông chờ vào thu hút theo hình thức xã hội hóa.
Dự án tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang có chiều dài 38,52km, trong đó, đoạn gia cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,5km, còn đoạn tuyến đường tránh xây mới dài 12,02km. Dự án do liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 thực hiện.