Mua sắm theo CPTPP: Tạo thuận lợi cho nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Thông tư số 09/TT-BKHĐT (Thông tư 09) quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 1/2021.

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi mở cửa thị trường cho các nước thành viên CPTPP là phải bảo đảm cạnh tranh. Ảnh: Đinh Quang Tuấn
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi mở cửa thị trường cho các nước thành viên CPTPP là phải bảo đảm cạnh tranh. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Với nhiều điểm mới, quy định rõ ràng hơn về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất, nhiều chuyên gia về đấu thầu và nhà thầu cho rằng, Thông tư 09 sẽ tạo thuận lợi cho nhà thầu tham dự.

Thông tư 09 gồm 8 điều quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa (HSMT MSHH) đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2020/NĐ-CP nhằm đảm bảo thực thi Hiệp định CPTPP. Kèm theo Thông tư là 2 mẫu HSMT MSHH.

Theo Bộ KH&ĐT, tham gia CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm chính phủ. Việc ban hành Thông tư 09 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình lập HSMT, đảm bảo tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc nội dung cam kết theo CPTPP. Thông tư 09 đảm bảo thống nhất và đồng bộ với Nghị định số 95/2020/NĐ-CP cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đó, Thông tư 09 hướng dẫn các bên khi lập, thẩm định, phê duyệt HSMT gói thầu MSHH, phải căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; bảo đảm đáp ứng về công năng, phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế cũng như điều kiện của thị trường. “Trường hợp đấu thầu nội khối, trong HSMT ghi rõ chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên tham dự thầu”, Thông tư nêu rõ.

Đặc biệt, Thông tư 09 nhấn mạnh yêu cầu, HSMT không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể, hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại nhà thầu…

Khi mở cửa thị trường cho các nước thành viên CPTPP, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là phải bảo đảm cạnh tranh, bên mời thầu không được đưa các điều kiện gây khó khăn cho nhà thầu. Theo đó, Thông tư 09 đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất (gọi chung là giấy phép bán hàng). Khái niệm giấy phép bán hàng được mở rộng, không chỉ là giấy phép của nhà sản xuất mà còn của đại lý phân phối vì trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất ủy quyền độc quyền cho nhà phân phối và nhà phân phối này được ủy quyền, cấp phép bán hàng cho các nhà thầu muốn nhập hàng.

Thông tư nêu rõ: “Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng”.

Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần sự khẳng định của nhà sản xuất, nhà cung cấp để đảm bảo tính khả thi trong việc cung cấp hàng hóa khi nhà thầu trúng thầu và cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như: lắp đặt, bảo trì, đào tạo và các dịch vụ liên quan khác, HSMT có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng.

Trường hợp HSDT của nhà thầu không đính kèm giấy phép bán hàng theo yêu cầu của HSMT thì vẫn được tiếp tục xem xét, đánh giá để được xét duyệt trúng thầu. Theo Thông tư 09, việc nhà thầu không đính kèm giấy phép bán hàng theo yêu cầu của HSMT không phải là lý do loại bỏ nhà thầu. Trường hợp nhà thầu trúng thầu, nhà thầu phải xuất trình được giấy phép bán hàng trước khi ký hợp đồng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của những tài liệu, thông tin do mình cung cấp. Trường hợp nhà thầu không xuất trình được giấy phép bán hàng để ký hợp đồng thì mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Sỹ Quảng, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại Khảo sát Hà Đông bày tỏ: “Thông tư 09 hướng dẫn như vậy rất hợp lý, chặt chẽ và kỹ hơn về giấy phép bán hàng, tạo thuận lợi rất lớn cho nhà thầu, giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính”.

Ông Vũ Duy Phan, Tổng giám đốc Công ty CP Liên doanh Tư vấn và Xây dựng COFEC cho rằng, quy định về giấy phép bán hàng như Thông tư 09 tiếp tục tạo cơ hội cho các nhà thầu. Trên cơ sở đó, các chủ đầu tư/bên mời thầu “hết đường” gây khó khăn cho nhà thầu, tạo cơ hội cho các nhà thầu cạnh tranh một cách công bằng, bình đẳng.

Mặt khác, ông Quảng nhìn nhận, chính những yêu cầu này đòi hỏi nhà thầu tham gia các gói thầu MSHH thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP cần chuẩn bị tốt về năng lực, trong đó có giấy phép bán hàng, nhằm đảm bảo cung cấp được hàng hóa chất lượng, chính hãng.

Ngoài ra, Thông tư 09 cũng nhấn mạnh, trường hợp các nhà sản xuất, đại lý phân phối trong lãnh thổ Việt Nam cố tình không cung cấp cho nhà thầu giấy phép bán hàng mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu khác, thì nhà thầu phản ánh đến Bộ Công Thương để kịp thời xử lý.

Chuyên đề