Năm 2018, Sở TT&TT tỉnh Sơn La mua sắm tài sản cho 67 đơn vị, chủ yếu là các thiết bị như máy photocopy, máy tính, máy in... Ảnh: Lê Tiên |
Dù vậy, bên cạnh những điểm tích cực, hoạt động MSTT tại Sơn La cũng xuất hiện một số bất cập.
Minh bạch về thông tin
Theo Thỏa thuận khung MSTT năm 2018 được ký kết ngày 14/8/2018 giữa Sở TT&TT tỉnh Sơn La với nhà thầu cung cấp tài sản là Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Sơn La, các đơn vị mua sắm chủ yếu mua các thiết bị phục vụ hoạt động thường xuyên như: Máy Fax, máy photocopy, máy tính, máy in... Danh sách công bố cho thấy, năm 2018, Sở TT&TT tỉnh Sơn La thực hiện mua sắm tài sản cho 67 đơn vị, tổng số tài sản mua sắm là 477 bộ với tổng chi phí thực hiện mua sắm là 6,45 tỷ đồng. Các tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản mua sắm có thể kể đến là: Văn phòng HĐND Tỉnh; Sở Nội vụ; Sở Giao thông vận tải; Sở Y tế…
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ý kiến của nhiều đơn vị sử dụng tài sản mua sắm đều đánh giá cao phương thức MSTT. Ông Nguyễn Hùng - Phó Phòng Kế hoạch - Tổng hợp công nghệ thông tin Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La nhận xét, MSTT tạo nhiều thuận lợi cho các đơn vị sử dụng tài sản. Đơn vị sử dụng tài sản không phải thực hiện các thủ tục về hợp đồng mua sắm, nhất là các đơn vị có số lượng hàng hóa cần mua sắm lớn đã có Sở TT&TT đứng ra đấu thầu.
Bà Phạm Thị Thanh Tú, Trưởng phòng Phòng Hành chính tổng hợp thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Sơn La thì đánh giá, đây là phương thức mua sắm công khai, minh bạch. “Trước đây, khi chưa thực hiện MSTT, thông tin về những đơn vị có nhu cầu mua sắm thường hẹp hơn”, bà Tú nhận xét.
Một số ý kiến khác cũng bày tỏ, MSTT là phương thức có nhiều ưu điểm trong kiểm soát chi tiêu công, kiểm soát tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức. Đây là giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng, lãng phí tại nhiều địa phương hiện nay. Bởi lẽ, đơn vị MSTT chỉ thực hiện việc tổng hợp nhu cầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung. Các đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, chi trả tiền và tiếp nhận tài sản để sử dụng. Nếu thực hiện đúng thời hạn quy định, đặc biệt là khâu đăng ký nhu cầu MSTT, thì việc mua sắm tài sản theo phương thức này hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về thời gian mua sắm của các đơn vị.
Còn không ít băn khoăn
Bên cạnh những đánh giá tích cực về công tác MSTT tại tỉnh Sơn La, một số đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản bày tỏ băn khoăn, vướng mắc. Bà Tú chia sẻ: “Vướng mắc nhất là vấn đề bảo trì, bảo dưỡng máy móc. Mỗi lần máy tính lỗi/hỏng hóc mà muốn sửa chữa, chúng tôi phải gọi nhà thầu bảo dưỡng tại Hà Nội lên. Việc này mất khá nhiều thời gian”.
Về vấn đề chất lượng của sản phẩm MSTT, ông Hùng cho biết: “Rất nhiều đơn vị sử dụng cho biết, chất lượng máy móc không tương xứng với giá tiền mua sắm”. Mặt khác, đại diện đơn vị sử dụng này cũng cho rằng, một số sản phẩm mua sắm qua kênh này chưa đáp ứng được tính kịp thời của đơn vị sử dụng. “Như năm nay, chúng tôi đăng ký nhu cầu mua sắm từ đầu năm, thế nhưng sau 8 tháng mới được mua sắm”, ông Hùng cho biết và chia sẻ thêm, khi chưa thực hiện MSTT, hễ đơn vị có nhu cầu mua sắm là chúng tôi chỉ việc đăng ký kế hoạch, thực hiện các thủ tục theo quy định là có thể mua sắm ngay.
Chia sẻ thêm khó khăn, bà Phạm Thị Yến, Kế toán Văn phòng HĐND tỉnh Sơn La bày tỏ, việc thực hiện thủ tục trong thanh toán cũng không hề đơn giản. Đơn vị mua sắm vẫn phải thực hiện nhiều khâu dù đã có đơn vị đầu mối đứng ra mua sắm.
Một điểm đáng chú ý tại kết quả mua sắm tài sản công tập trung năm 2018 của tỉnh Sơn La là hầu hết các tài sản mua sắm có trong danh mục có xuất xứ Trung Quốc, số ít các máy móc có xuất xứ Malaysia và Việt Nam.