Đồng USD đã và đang là đồng tiền dự trữ số 1 thế giới - Ảnh: Reuters. |
Suốt nhiều thập kỷ trở lại đây, đồng USD đã giữ vững vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới, nhưng địa vị này có thể bị đe dọa bởi "những quốc gia rất mạnh" đang tìm cách xói mòn tầm quan trọng của đồng bạc xanh - một chuyên gia cảnh báo.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, bà Anne Korin - đồng Giám đốc phụ trách nghiên cứu năng lượng và an ninh thuộc Viện Phân tích an ninh toàn cầu (Institute for the Analysis of Global Security) - nói rằng những quốc gia đang đi đầu trong việc gây suy yếu ảnh hưởng của đồng USD bao gồm Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU). Vị chuyên gia nói rằng những nước này "có động lực mạnh mẽ trong việc phi Đôla hóa"
"Chúng tôi không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng điều mà chúng tôi thực sự biết là vị thế hiện nay của USD khó bền vững", bà Korin nói. "Đang có một nhóm nước ngày càng đông các quốc gia rất mạnh" muốn giảm ảnh hưởng của USD.
Một trong những lý do khiến các nước này muốn cắt giảm sử dụng đồng bạc xanh là khả năng trở thành đối tượng của quyền tài phán Mỹ nếu thực hiện giao dịch bằng USD. Khi đồng USD được sử dụng hoặc giao dịch được thanh toán thông qua một ngân hàng Mỹ, các thực thể sẽ trở thành đối tượng của quyền tài phán Mỹ, cho dù họ "chẳng liên quan gì đến Mỹ", bà Korin nói.
Bà Korin lấy ví dụ là việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Tehran. Động thái này của Mỹ đặt các công ty đa quốc gia của châu Âu vào tình thế đầy may rủi trước sự trừng phạt của Washington nếu họ tiếp tục công việc kinh doanh với Iran.
"Châu Âu muốn làm ăn với Iran. Họ không muốn trở thành đối tượng của luật pháp Mỹ vì làm ăn với Iran", bà Korin nhấn mạnh. "Không ai muốn bị bắt ở sân bay vì làm ăn với những quốc gia mà Mỹ không ưa".
Bởi vậy, các nước có một "động lực rất, rất mạnh mẽ" để dịch chuyển khỏi việc sử dụng đồng USD, bà Korin nói.
Một khi ảnh hưởng của đồng USD suy giảm, các đồng tiền khác có thể thế vào vai trò mà USD nắm giữ bấy lâu nay, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều cố gắng nhằm quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, bao gồm đưa vào giao dịch hợp đồng tương lai dầu lửa bằng Nhân dân tệ. Cũng có nhiều nguồn tin nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc dùng Nhân dân tệ, thay vì USD, để thanh toán trong hoạt động nhập khẩu dầu lửa.
Hợp đồng tương lai dầu lửa giao dịch bằng Nhân dân tệ có thể được xem như một dấu hiệu cảnh báo sớm về vai trò yếu đi của đồng USD, bà Korin nhận định.
"90% giao dịch dầu lửa hiện nay được thực hiện bằng đồng USD", bà Korin nói. "Nếu có bất kỳ một sự suy giảm nào đó trong vai trò thống lĩnh của đồng USD trong giao dịch dầu lửa, thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy mọi chuyện đi theo chiều hướng phi Đôla hóa", bà Korin nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nói rằng giao dịch dầu lửa bằng Nhân dân tệ có thể là một điều kiện "cần" cho phi Đôla hóa, nhưng chưa phải là điều kiện "đủ" để phi Đôla hóa trở thành sự thật.