Mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ người gặp khó do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động (LĐ), người (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó mở rộng hơn về đối tượng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ người LĐ, người SDLĐ so với Nghị quyết 68.

Nới lỏng điều kiện tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất

Về chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, Nghị quyết 126/NQ-CP quy định người SDLĐ đã đóng đủ bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% LĐ tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 1/2021 (kể cả LĐ ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người LĐ và người SDLĐ được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Trước đó, theo Nghị quyết 68, điều kiện hưởng chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất là người SDLĐ phải giảm LĐ tham gia BHXH là 15% trở lên so với thời điểm tháng 4/2021.

Mở rộng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ

Chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương (hỗ trợ một lần từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người) cũng sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng hưởng chính sách là người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ, đang tham gia BHXH bắt buộc, thay vì quy định cụ thể làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục... như tại Nghị quyết số 68.

Cụ thể, đối tượng hưởng chính sách là người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ, đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương; có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng LĐ từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Đồng thời, các đối tượng này phải thuộc một trong các trường hợp như: Phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; do người SDLĐ tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, LĐ để phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với người lao động bị ngừng việc được hưởng chính sách hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người, Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung theo hướng người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ bị ngừng việc vì lý do theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật LĐ; đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc và thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg; do người SDLĐ phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, LĐ để phòng, chống dịch Covid-19 từ 14 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Đối với người LĐ chấm dứt hợp đồng LĐ được hưởng hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người, theo quy định sửa đổi, bổ sung của Nghị quyết 126/NQ-CP, người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ, đang tham gia BHXH bắt buộc, phải chấm dứt hợp đồng LĐ trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thuộc một trong các trường hợp sau: phải cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Covid -19; do người SDLĐ bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Covid -19 hoặc người SDLĐ có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, LĐ để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hỗ trợ thêm 1 triệu đồng cho người cao tuổi và người khuyết tật

Ngoài ra, Nghị quyết 126/NQ-CP còn bổ sung chính sách hỗ trợ với người cao tuổi và người khuyết tật. Cụ thể, người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Chuyên đề