Mô hình nào cho cơ quan quản lý cạnh tranh?

(BĐT) - Mục tiêu của Luật Cạnh tranh là bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, nhiều quy định của Luật vẫn chưa đi sâu được vào thực tiễn.
Dược phẩm là một trong những ngành tiềm ẩn nhiều hành vi hạn chế cạnh tranh, có tác động tiêu cực tới thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Dược phẩm là một trong những ngành tiềm ẩn nhiều hành vi hạn chế cạnh tranh, có tác động tiêu cực tới thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam hiện có 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh, đó là: Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh. Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý cạnh tranh là thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng Cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Hội đồng Cạnh tranh được thành lập và hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, liên ngành.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mô hình cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh như hiện tại là chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng cho mọi loại hình doanh nghiệp.

Dẫn chứng cho đánh giá nêu trên, ông Võ Văn Thành, Phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh thuộc Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, thực tế môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều hành vi có tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt là trong ngành, lĩnh vực có quy mô lớn hoặc đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế như năng lượng, dược phẩm, phân phối, bán lẻ, logistics, du lịch, các ngành ứng dụng công nghệ... Tuy nhiên, những năm qua, số vụ việc cạnh tranh không lành mạnh được phát hiện, điều tra, xử lý còn khá ít. Sau 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh, chỉ có 8 vụ hạn chế cạnh tranh được đưa ra điều tra, và 5 vụ được xét xử.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mô hình cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh như hiện tại là chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng cho mọi loại hình doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do người dân hầu như không khiếu nại, ngoài những việc ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, còn doanh nghiệp thì thường tự thỏa thuận, “đi đêm” với nhau. Ngoài ra, trong quá trình thực thi, một số quy định của Luật Cạnh tranh đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Cụ thể, có nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất của pháp luật và cơ chế thực thi như tình trạng một hành vi được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, thực thi bởi các cơ quan quản lý khác nhau đã gây nên nhiều bất cập trong khâu xử lý. Cơ quan thực thi vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Đối với cộng đồng xã hội và các cơ quan liên quan vẫn còn tâm lý ngại khiếu nại, va chạm, thiếu tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ.

Để bảo vệ môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng niềm tin đối với doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh mới, phù hợp và hiệu quả là đòi hỏi hết sức bức thiết trong bối cảnh các vụ việc cạnh tranh ngày càng nhiều và tính phức tạp ngày càng gia tăng.

Liên quan đến vấn đề này hiện vẫn tồn tại 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng ý kiến thứ nhất bày tỏ đồng thuận việc sáp nhập Cục Quản lý cạnh tranh với Hội đồng Cạnh tranh. Cơ quan này sẽ do Bộ Công Thương quản lý, được tăng cường năng lực thực thi và được quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại quan ngại về tính độc lập, khách quan của cơ quan được sáp nhập trực thuộc Bộ Công Thương khi Bộ này đang là cơ quan chủ quản của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Để đảm bảo khách quan, nhiều chuyên gia nêu quan điểm nên đề xuất sáp nhập Cục Quản lý cạnh tranh với Hội đồng Cạnh tranh thành một cơ quan duy nhất là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Chính phủ.

Chuyên đề