Lực lượng cứu hộ của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai tìm kiếm người mất tích do mưa lũ (ảnh chụp ngày 7/10) |
Liên tục có người bị lũ cuốn trôi, mất tích
Đến 7/10, hầu hết các tỉnh thành từ Thừa Thiên-Huế, đến Khánh Hòa, Tây Nguyên đều có công điện yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phương án phòng chống. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời nhân dân những vùng ngập sâu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là đối với các địa phương bị thiệt hại nặng do bão số 5 gây ra.
Huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam tổ chức di dời ngay các hộ ở dưới chân công trình Trường THPT Võ Chí Công để đảm bảo an toàn khi có mưa lớn xảy ra. Sau bão số 5, nhiều tuyến đường đi các xã vùng cao Tây Giang bị sạt lở nặng, chưa kịp khắc phục thì nay lại có mưa nguy cơ sạt lở rất cao. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam cũng đã đề nghị các nhà máy thủy điện chủ động điều tiết, xả lũ, đảm bảo an toàn đập đồng thời tránh gây lũ cực đoan cho hạ du. Yêu cầu các Cty thủy điện Đắk Mi, Cty Thủy điện Sông Bung chủ động tính toán, vận hành điều tiết để đảm bảo mực nước các hồ thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 không vượt quá giá trị quy định tại bảng 2 quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều khu vực có mưa to, lượng mưa phổ biến 200mm - 400mm, có nơi trên 500mm. Tại huyện đảo Lý Sơn, hôm nay có mưa lớn, gió cấp 5, cấp 6. Đa số du khách đã chủ động rời đảo từ ngày hôm 5/10.
Tại tỉnh Gia Lai, trong chiều ngày 7/10, Công ty Bình Dương - Binh đoàn 15 và lực lượng chức năng huyện Chư Prông vẫn đang tích cực tìm kiếm tung tích của 2 cha con anh Nguyễn Văn Trường bị nước lũ cuốn trôi. Vào lúc gần 19h tối ngày 6.10, trên địa huyện Chư Prông có mưa lớn. Khi đó, 2 cha con anh Nguyễn Văn Trường (SN 1983) và cháu Nguyễn Hoàng Bảo Long (SN 2013) bị nước lũ cuốn trôi, mất tích.
Thượng tá Lưu Văn Đoàn - Bí thư Đảng ủy Công ty Bình Dương - Binh Đoàn 15 - cho hay, đơn vị đã sớm cử lực lượng tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy hai cha con. Lượng nước qua ngầm của con đập tràn này vẫn chảy rất xiết và gây nhiều khó khăn cho các lực lượng túc trực tìm kiếm. Đơn vị đã cử công nhân cảnh giới, ngăn cấm người dân đi qua con đập tràn khi mưa lớn. Tuy nhiên, vẫn có người dân vượt qua khi nước lũ vượt trên con đập tràn.
Riêng ở Đắk Lắk, Bộ đội Biên phòng huyện Ea Súp vẫn đang nỗ lực phối hợp với chính quyền xã Ia Lốp, người dân địa phương tổ chức tìm kiếm một nam thanh niên bị nước lũ cuốn trôi mất tích trong đêm. Trước đó, khoảng 21h ngày 6.10, anh Quốc Đình Huy (26 tuổi, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) điều khiển xe máy chở anh Phạm Thành Luân (27 tuổi, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lưu thông trên đường liên thôn (thuộc xã Ia Lốp, huyện Ea Súp). Lúc đó, nước lũ đổ về mạnh, dâng cao dẫn đến xe bị chết máy. Cả 2 đều đã bị nước lũ cuốn trôi. Sau đó, riêng anh Huy bơi được vào bờ, còn anh Luân đã bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Theo BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Đắk Lắk, lượng mưa trong ít ngày qua ở tỉnh phân bố đều, không rải khác, một số nơi xuất hiện mưa vừa và to. Nhiều trạm tại các huyện như Krông Năng, Ea Súp, M’Đrắk lượng nước đã vượt mức báo động 1.
Còn tại Kon Tum, nhiều tỉnh lộ quan trọng đang có nguy cơ bị đe dọa sạt lở, gây ách tắc giao thông. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, các tuyến đường có nguy cơ như tuyến Tỉnh lộ 673 từ trung tâm huyện Đăk Glei đi các xã như Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh có 27 điểm nguy cơ sạt lở với khối lượng hàng nghìn khối đất đá. Đặc biệt, tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh có 44 điểm nguy cơ sạt lở. Tuyến tỉnh lộ 676 từ trung tâm huyện Kon Plông đi các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút có 30 điểm sạt lở.
Hối hả tu sửa đường xá, di tản dân
Ông Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết, đã thống nhất chủ trương khắc phục thiệt hại Tỉnh lộ 673 với số tiền 606 triệu đồng; Tỉnh lộ 676 với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện khắc phục các công trình thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định; đồng thời phải tuân thủ trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Ngoài ra, lực lượng PCTT&TKCN tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo việc hướng dẫn, phân luồng giao thông nhất là đoạn qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lớn; kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển tại các khu vực nguy hiểm.
Phía cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai vẫn đang khẩn trương thực hiện các biện pháp chống lụt bão, ảnh hưởng của mưa lớn. Đồng thời rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, đảm bảo tính mạng cho bà con.
Tại Đắk Nông, Đắk Lắk, UBND các tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN; các sở, ngành, địa phương cần chủ động rà soát các khu vực ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu để chủ động phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn. Các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện có phương án bảo đảm an toàn hệ thống hồ chứa, công trình bị hư hỏng, đang thi công, các công trình thủy điện, thủy lợi xung yếu, bố trí lực lượng trực vận hành an toàn công trình.
Các bộ phận chuyên môn, lực lượng xung kích, nòng cốt phòng chống lụt bão tổ chức rà soát, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, vật tư nhằm khắc phục sự cố, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, bảo đảm an toàn giao thông, nhất là các trục đường chính.
* Quảng Trị: Nhiều vùng ở miền núi bị cô lập, 2 người mất tích
Ngày 7/10, ông Lê Quang Lam - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, 24h qua, tại địa bàn có mưa lớn ở các huyện miền núi. Cụ thể, lượng mưa cao nhất đo được là ở huyện miền núi Hướng Hóa với 340mm, huyện miền núi Đakrông có lượng mưa cao nhất là 230mm. Mưa lớn, kéo dài suốt 24h khiến hầu hết các cầu tràn, ngầm ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị ngập nước, có nơi ngập trên 1 mét khiến nhiều bản làng người đồng bào thiểu số bị chia cắt. Hiện, các huyện miền núi đã di dời một số tài sản của người dân đến nơi an toàn, công tác di dời người dân ở những nơi thấp trũng cũng đã được lên kịch bản. Ở xã Hướng Linh (huyện Hướng Hoá), 2 người đàn ông bị lật đò khi chèo qua suối, khiến cả 2 mất tích. Theo dự báo, tại địa bàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục có mưa đến ngày 11/10, vì vậy, địa phương đang rà soát, đưa ra các phương án để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.
* Quảng Bình: Học sinh nghỉ học, nhiều nơi bị cô lập do nước lũ dâng cao
Tối 7/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn có mưa to, gió lớn từ tối 6/10 khiến nước sông, suối dâng cao gây ngập lụt, chia cắt ở một số địa phương.
Do tình hình phức tạp của mưa lũ nên UBND huyện Minh Hóa đã cho học sinh nghỉ học từ chiều 7.10 để bảo đảm an toàn. Học sinh 2 trường PTDT bán trú TH và THCS ở Trọng Hóa và Dân Hóa phải ở lại trường tránh trú vì nước lũ dâng cao. Trên địa bàn huyện Minh Hóa, tuyến đường về xã Xuân Hóa, đoạn qua ngầm Bến Sú đã ngập sâu khiến người và phương tiện không thể qua lại được. Tại xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) do mưa lớn đã gây ngập sâu tại hai điểm ngầm Khe Ngang và bản Mới khiến hai bản Hang Chuồn - Trường Nam và bản Khe Ngang bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với vùng trung tâm xã. Đến nay trên địa bàn xã Trường Xuân đã có hơn 270 hộ gia đình với gần 1.000 người bị cô lập do mưa lũ...
* Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, trên hệ thống đê cả nước hiện còn tồn tại 63 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 148,4km, ngoài ra còn có 40 công trình đê điều đang thi công. Đối với các hồ thuỷ điện, hiện hồ Hòa Bình duy trì mở 1 cửa xả đáy từ lúc 24 giờ ngày 5/10, hồ Thác Bà chủ động vận hành để giữ mực nước không vượt quá mực nước quy định; hồ Tuyên Quang đã mở 1 cửa xả vào lúc 17 giờ ngày 6/10. Tại khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ chứa, hiện có 55 hồ hư hỏng. Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ, hiện có 24 hồ hư hỏng và 31 hồ đang thi công. Khu vực Tây Nguyên có 1.246 hồ chứa, hiện có 41 hồ hư hỏng.