Màu xanh trên hốc đá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không nhiều họa sĩ mà nội tại và hành động đan xen hài hòa, khéo léo sự tài hoa, lãng mạn và tính thực tế chi tiết như Đông Ngàn Đỗ Đức. Ông có thể trầm lặng thu mình loại bỏ tất cả quanh quẩn đời thường để thu nhận những mầu sen hồng “sen tàn mà vẫn thấy được lời thu cuối mùa”, tinh tường nắm bắt thật nhanh cả dòng nhựa tràn trề ở nụ đào chuẩn bị hé nở chào xuân, cũng có thể nhận định chính xác về nhiều quy luật tất yếu của kinh tế.
Bức tranh Mã Pì Lèng thể hiện bằng chất liệu sơn dầu của họa sĩ Đỗ Đức
Bức tranh Mã Pì Lèng thể hiện bằng chất liệu sơn dầu của họa sĩ Đỗ Đức

Nhìn từ những hốc đá

Đỗ Đức không chỉ vẽ nên những hình tượng mang đậm triết lý nhân sinh, mà ông còn đứng vai là nhà văn, nhà báo miêu tả một cách chân thật, cô đặc về biến chuyển của nhiều thân phận vạn vật xung quanh, những quy luật, hướng đi thức thời.

Ông có nhiều điểm thú vị, quê Bắc Ninh và sinh năm Ất Dậu, rất lãng du, không chỉ thông thạo các nơi đô thị, mà còn dành rất nhiều thời gian la cà ở những hẻm núi xa, viết cuốn "Tuổi thơ tôi dính với rừng" kể ra nhiều bài học chắt lọc từ thiên nhiên. Ông khoái thứ rượu hắc nấu từ men lá ở vùng cao. Trên cao nguyên toàn màu đá xám xịt Đồng Văn, ông uống say mềm với người Mông.

Ông luận bàn với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Thái Sơn về cụm từ “thổ canh hốc đá”, chỉ việc canh tác của người Mông ở vùng thiên nhiên khắc nghiệt nhất, miền đất sinh ra để thử thách con người. Họ miêu tả về những mầm sống nẩy nở trên những hốc đá: Giữa mênh mông đá đen tím ấy có những màu xanh non lưa thưa phất lên đây đó. Nhưng đến gần nhìn thì đó là ngô trong bãi đá. Chỉ tháng sau là cây ngô lên cao che dần, triền núi sẽ được phủ kín màu xanh của sự sống, chỉ còn thấy những tảng đá to nhô lên giữa biển xanh khi cây ngô chưa đủ độ cao che khuất. Hãy cùng nhau quan sát lối canh tác: Một gốc ngô, dưới gốc nó còn có thêm cây đậu tương, một mầm đỗ đỏ, và thêm một dây bí ngô nữa. Đó là “thổ canh hốc đá”.

Ông gật gù nhất trí với nhà nghiên cứu dân tộc học Chu Thái Sơn: “Thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng người dân đã biết tận dụng hết những gì thiên nhiên có để nó phục vụ lại mình: cây ngô cho bắp, cây đậu đỏ cho hạt. Đỗ tương ngoài cho hạt thì bộ rễ có nốt sần tăng đạm cho gốc ngô. Còn dây bí thì ít nhiều cũng cho vài quả. Bốn loại hạt giống chụm chân trên một vụm đất nhỏ, mất cái nọ còn có thứ kia, nên năm nào không mưa thuận gió hòa, dù mất mùa cũng không thể đói được”, cả cái cách mà “hàng nghìn năm bám trên đá để sống, người Mông đã tìm ra phương thức canh tác tuyệt vời, khai thác tận cùng tiềm năng của lượng đất quá ít ỏi. Đó là sự tổng kết đến hoàn thiện trên vùng đất khắc nghiệt này”.

Tinh tế miêu tả về cách thức sinh sống giản dị tại vùng đất khắc nghiệt cho thấy Đỗ Đức đúc rút ra được nghệ thuật tạo ra động lực để hướng đôi chân đi đến cái đích đặt sẵn. Một cuốn sách do ông viết mới xuất bản, ghi: "Cuộc sống dạy tôi rằng nghèo đói không đáng sợ. Cái đáng sợ là sống thiếu ước mơ và khát vọng. Đầy đủ mà không có ý chí và khát vọng thì cũng chẳng làm được gì...".

Tiến lên sản xuất lớn

Họa sĩ Đỗ Đức
Họa sĩ Đỗ Đức

Năm 1975, lúc 30 tuổi, Đỗ Đức công tác ở Báo Việt Nam Độc lập có nhận “đặt hàng” vẽ bức tranh “Tiến lên sản xuất lớn” cho Nhà xuất bản Việt Bắc. Đây là bức tranh tết đầu tiên trong đời của họa sĩ Đỗ Đức.

Bức tranh rực rỡ với hai mảng gam màu chủ đạo xanh và đỏ, khéo léo cuốn hút người xem bởi những cô bé, cậu bé xinh xắn, hình tượng đại diện cho thế hệ tương lai của đất nước, cho khát vọng đổi mới và vươn lên. Tranh ngập tràn không khí Tết với nét hân hoan, tràng pháo đỏ và cả những quyết tâm đầy tràn về “công nghiệp, dược liệu, chè...”. Giám đốc Nhà xuất bản Nông Quang Hoạt khi nhận bức tranh, thấy màu rực rỡ đã khen đẹp và ký duyệt in với số lượng trên 40 ngàn bản, bán vèo ngay trước Tết năm đó.

Công vẽ bức tranh chỉ được vài hào đủ mua 3 quả trứng gà theo thời giá lúc bấy giờ. Đỗ Đức bảo lúc ấy mơ hết chiến tranh, sẽ chỉ còn tập trung nhân lực vào làm ăn, tập trung khai thác cây lương thực, cây công nghiệp như truyền thống canh tác từ xưa, sản xuất lớn là vậy! Mới chỉ nghĩ được đến thế, đã ai nhìn được quá mũi giày của mình đâu. Lúc đó, Đỗ Đức chỉ hiểu sản xuất lớn là tập trung để làm ra nhiều sản phẩm. Nghĩ được thế là vĩ đại rồi. Bởi thế mà bức tranh “Tiến lên sản xuất lớn” với lá cờ thần được đón nhận, bán hết nhanh. Đỗ Đức trăn trở về tư duy kinh tế của ông lúc đó là mơ hồ, nhưng ông không nhầm, bởi suốt những tháng ngày sau hòa bình, trên nền tảng những điều bình dị nhỏ bé, đất nước đã không ngừng phát triển và gặt hái được những thành quả rực rỡ.

Sau khi chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Dân tộc, họa sĩ Đỗ Đức làm việc tại vị trí biên tập. Đỗ Đức đề cao việc thu thập tin tức để tiếp cận và nắm bắt cái mới, đề cao “vốn đối ứng”, như cách để đọc được văn, xem được tranh thấu đáo, người xem phải có chút kiến thức cuộc sống giúp nhận biết, thẩm thấu được những gì họ đọc và xem.

Những năm 80, ông suy nghĩ và làm. Ông bàn với vợ ý tưởng của mình và xin rút ra 1/3 số tiền tích trữ tương đương hai tháng lương để mua những xấp giấy, về nhà thiết kế một loạt bưu thiếp nhỏ, ký gửi bán ở một cửa hàng với giá cao đến mức cô kế toán không đồng ý nhận. Sau phải có lời của cô giám đốc: “Đưa giá là quyền của họ, mua hay không là quyền của khách”. Vậy mà chỉ sau vài ngày, khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản đã mua hết hơn 400 tấm thiếp độc đáo. Ông thu về số tiền lớn hơn lương nhiều tháng cơ quan trả. Từ đó, ông đẩy mạnh sáng tạo, tìm cách đưa tác phẩm của mình đến với người yêu nghệ thuật và tất nhiên thu về rất nhiều tiền.

“Tiến lên sản xuất lớn” - bức tranh tết đầu tiên trong đời họa sĩ Đỗ Đức

“Tiến lên sản xuất lớn” - bức tranh tết đầu tiên trong đời họa sĩ Đỗ Đức

Tiền ông để đầy trong tủ, có lúc không biết chính xác là bao nhiêu, ông tậu xe máy DD đỏ chót, kiếm biệt thự rộng đẹp... và chỉ ân hận lúc đó không mua thêm nhiều đất, vàng tích trữ. Thời đó ít ai tư duy và dám làm giống ông, chỉ đa phần dựa vào nguồn sống từ cơ quan nhà nước. Hành động của ông giống quan điểm ông từng phát biểu: “Phát triển kinh tế cần có sự hợp tác quốc tế, cần có những sản phẩm đặc trưng và khác biệt”...

Thành quả của Đỗ Đức đã truyền cảm hứng cho không ít người làm nghệ thuật đương thời, giúp họ hình thành tác phong mới về kinh tế. Để sau này, nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại và truyền thống do Đỗ Đức và các họa sĩ, nghệ nhân khác sáng tạo ra đã góp phần thúc đẩy một ngành nghề phát triển, chiếm giữ tỷ trọng nhất định trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, đó là thủ công mỹ nghệ.

Thấy và tận dụng cơ hội từ khó khăn như cách Đỗ Đức chiêm nghiệm và thành công hệt cách ông tinh tế ngắm những thân ngô mạnh mẽ trổ mầm từ rừng đá khắc nghiệt, như cách ông thẩm thấu tiếng khèn Mông nhẹ nhàng xào xạc như gió ngàn vượt nương đá..., hay như cách ông quan sát từ Đồng Văn, vượt Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc để thấy một ngôi nhà Mông đơn côi bên góc núi bốn bên được bao bọc, che chở bằng tường đá xếp như miếng bánh đa được bẻ ra gài nghiêng. Ông thấy trên đời chẳng có gì vô dụng. Đến đá còn hữu ích cho con người. Vấn đề khi nào dùng đến đá và đá được dùng như thế nào.

Đỗ Đức bàn về kinh tế mềm mỏng, cuốn hút, nhắc đến thành công ông cũng bảo phải chấp nhận thất bại, phải bản lĩnh... như kiểu một tác phẩm nghệ thuật được khen tận trời, chê tận đáy cũng không lạ, bởi bản lĩnh của người làm nghệ thuật là lắng nghe, phân tích và trên nhất là tin ở mình. Va đập, đấu tranh để tồn tại thì chuyện sứt mẻ là đương nhiên.

Những câu chuyện của Đỗ Đức kể như bếp lửa ấm, làm cái lạnh của tiết xuân chỉ dám mon men ngoài khe cửa. Đỗ Đức cảm thán năm cũ sắp qua, một mùa xuân mới đang đến. Sau Tết Nguyên đán, những nương đá lại được dọn dẹp cho một mùa gieo hạt... Lại một chu kì sản xuất trên cao nguyên, đến tháng Ba, màu xanh của sự sống từ ngô, đậu, bí lại dần lan tỏa phủ kín cao nguyên. Vùng đất khó luôn có sức sống mãnh liệt.

Họa sĩ Đỗ Đức tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1980. Trong hội họa, ông gặt hái được nhiều thành công với các tác phẩm về mảng đề tài dân tộc miền núi, về những số phận bé nhỏ trong cõi nhân sinh. Ông từng đạt giải B Triển lãm toàn quốc 10 năm ngành đồ họa, có 14 tác phẩm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 15 tác phẩm trong Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và nhiều tác phẩm được các bảo tàng tại châu Á - Thái Bình Dương, Ba Lan và một số cá nhân ở nước ngoài sưu tập. Bên cạnh đó, ông còn là cây viết cho nhiều báo, trong đó có thời gian dài viết cho Báo Thể thao & Văn hóa. Ông cũng là nhà văn và người nghiên cứu về văn hóa dân tộc với một số đầu sách hay được giới chuyên môn đánh giá cao như: “Gã thợ xăm”; “Tuổi thơ ơi”, “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam”.

Chuyên đề