Mặt bằng, vật liệu cản tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo mới nhất về tình hình thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 1, ước thực hiện tháng 2/2024 của Bộ Tài chính cho thấy, các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải vẫn gặp 2 vướng mắc lớn là giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu.
Tính đến hết ngày 31/1/2024, tổng vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng ngành giao thông đạt khoảng 4.463 tỷ đồng, tương đương 6,63% kế hoạch năm 2024. Ảnh: Tiên Giang
Tính đến hết ngày 31/1/2024, tổng vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng ngành giao thông đạt khoảng 4.463 tỷ đồng, tương đương 6,63% kế hoạch năm 2024. Ảnh: Tiên Giang

Theo đó, tính đến hết ngày 31/1/2024, tổng vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng ngành giao thông đạt khoảng 4.463 tỷ đồng, tương đương 6,63% kế hoạch năm 2024. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 4.230 tỷ đồng, đạt 6,82%, vốn ngân sách địa phương là 232,54 tỷ đồng, đạt 4,35%.

Theo nguồn báo cáo này, tới nay, kế hoạch vốn năm 2024 giao cho 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là hơn 67.365 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 khoảng 29.036 tỷ đồng, kế đến là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (7.881 tỷ đồng), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (5.555 tỷ đồng), cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (5.476 tỷ đồng), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột (3.699 tỷ đồng), Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội (5.164 tỷ đồng), Vành đai 3 - TP.HCM (5.990 tỷ đồng), đường Hồ Chí Minh (4.561 tỷ đồng). Đối với Dự án Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 23.263 tỷ đồng, báo cáo không thể hiện kế hoạch vốn năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, tốc độ giải ngân vốn NSNN ở nhóm dự án này không đồng đều, với 2 gam màu trái ngược. Theo đó, Dự án Vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội mới giải ngân được 0,9% kế hoạch; Dự án Đường Hồ Chí Minh gồm 5 dự án thành phần (DATP) đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, gồm: Hòa Liên - Túy Loan (768,68 tỷ đồng), Chơn Thành - Đức Hòa (547,25 tỷ đồng), La Sơn - Túy Loan (1.609 tỷ đồng), Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (446,31 tỷ đồng), Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (1.189 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng có kết quả giải ngân tốt nhất với giá trị hơn 1.185 tỷ đồng, tương đương 15% kế hoạch vốn. Trong đó, 2 DATP đạt giá trị giải ngân cao là DATP 1 (471,49 tỷ đồng, tương đương 21,2% kế hoạch), DATP 2 (694,12 tỷ đồng, tương đương 46,3% kế hoạch). Tuy nhiên, DATP 3 chưa giải ngân và DATP 4 chỉ đạt 1,3% kế hoạch vốn.

Cũng trong tháng 1/2024, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 giải ngân khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 6,9% kế hoạch. Có 5 trong 12 DATP của cao tốc này đạt tỷ lệ giải ngân trên 8%, trong đó DATP Cần Thơ - Hậu Giang đạt 19,3%, DATP Bãi Vọt - Hàm Nghi đạt 19% và DATP Hậu Giang - Cà Mau đạt 132,5%. Các DATP khác có tỷ lệ giải ngân khiêm tốn, dao động xung quanh ngưỡng 1%.

Tương tự, tình trạng giải ngân không đều cũng diễn ra ở các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3 - TP.HCM. Ở cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, DATP 3 giải ngân đạt 32,6% kế hoạch vốn, trong khi DATP 1 và DATP 2 chỉ đạt lần lượt là 2% và 0%. Tính chung trong tháng 1/2024, giá trị giải ngân của Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 204,79 tỷ đồng, đạt 3,7% kế hoạch năm. Giá trị giải ngân tháng đầu năm 2024 của Dự án Vành đai 3 - TP.HCM là 372,1 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch. Tuy nhiên, tại Dự án Vành đai 3 - TP.HCM, chỉ có DATP 3, DATP 7 thuộc nhóm DATP đầu tư xây dựng có tốc độ giải ngân đáng kể, các dự án còn lại, đặc biệt là nhóm DATP bồi thường, hỗ trợ tái định cư đều được ghi nhận tỷ lệ giải ngân là 0%.

Theo Bộ Tài chính, các dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và khan hiếm vật liệu cho thi công. Hiện nay, tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số DATP cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột chậm hơn so với yêu cầu của Chính phủ.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, lãnh đạo một số tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò đơn vị chủ quản dự án cao tốc như Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang… đều khẳng định, tình trạng khan hiếm vật liệu đang ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thi công. Trong khi đó, ý kiến một số ban quản lý dự án giữ vai trò chủ đầu tư cao tốc, vành đai ở TP.HCM, Bình Dương, đặc biệt là Đồng Nai thì lo ngại về khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Với đặc thù các dự án cao tốc, vành đai trọng điểm có tính chất liên vùng, tình trạng tiến độ thi công, giải ngân không đồng đều đang đặt ra mối quan ngại về tính đồng bộ, hiệu quả khi hầu hết dự án đều phải cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.

Chuyên đề