Mặt bằng định giá cổ phiếu còn hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường chứng khoán thăng hoa trong thời gian qua đã kéo mức định giá theo P/E nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết ở thời điểm hiện tại không còn rẻ. Kết quả kinh doanh trong thời gian tới sẽ là yếu tố quan trọng cho mức độ hấp dẫn của các cổ phiếu.
P/E trung bình 3 năm của nhóm ngành công nghệ thông tin là 12,8 lần nhưng đang được định giá ở mức 22,5 lần

P/E trung bình 3 năm của nhóm ngành công nghệ thông tin là 12,8 lần nhưng đang được định giá ở mức 22,5 lần

Sau khi lập đỉnh 1.420 điểm vào ngày 2/7/2021, VN-Index đã trải qua 2 đợt sụt giảm mạnh đi cùng với thanh khoản thấp hơn và hiện được giao dịch quanh mức 1.339 điểm. Theo tính toán từ Bloomberg, VN-Index hiện được định giá P/E ở mức 16,3x lợi nhuận trượt 4 quý gần nhất đến hết quý II/2021.

Theo báo cáo mới được công bố của FiinGroup, mức định giá trên của VN-Index tương đương mức định giá trung bình trong giai đoạn 1 năm trước khi Covid-19 khởi phát. Mức định giá này vẫn hấp dẫn hơn so với kênh gửi ngân hàng. Cụ thể, với mức lãi suất tiền gửi 4,4% có sức hấp dẫn tương đương với P/E của thị trường chứng khoán ở mức 23,8 lần (100/4,4 và điều chỉnh 5% thuế thu nhập trên tiền gửi).

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra mặt bằng định giá chung của hầu hết các nhóm ngành đã không còn rẻ so với mức trung bình 3 năm. Có thể kể đến công nghệ thông tin, mức P/E trung bình 3 năm là 12,8 lần nhưng hiện đang được định giá ở mức 22,5 lần.

Theo tính toán mức P/E Forward (trượt) 12 tháng tính đến cuối ngày 25/9/2021, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin được định giá cao như cổ phiếu ELC của Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông được định giá ở mức 37 lần, hay Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC ở mức quanh 22,4 lần. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực này là Công ty CP FPT được định giá ở mức 17,6 lần.

Nhóm hóa chất đang được giao dịch ở mức 20,4 lần, cao hơn nhiều so với mức P/E bình quân 3 năm là 15 lần. Một số doanh nghiệp trong nhóm này có mức P/E cao như Công ty CP DAP - Vinachem ở mức 30 lần, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ở mức 24,2 lần. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đầu ngành lại được giao dịch ở mức P/E thấp hơn như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí ở mức 11,8 lần, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau 17,3 lần, Công ty CP Hóa chất Đức Giang ở mức P/E 22,7 lần.

Doanh nghiệp có mức P/E cao còn phải kể tới nhóm bán lẻ. Trong đó, Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT ở mức 63,8 lần, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động ở mức 20,5 lần, Công ty CP Thế giới số ở mức 26,3 lần… Mức P/E bình quân 3 năm của nhóm này là 13,9 lần.

Với bất động sản, chỉ số giá nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng 3,5% so với thời điểm đầu năm, thấp hơn mức tăng 19% của VN-Index, trong khi định giá P/E và P/B hiện ở mức thấp hơn trung bình 3 năm.

Tuy nhiên, mức P/E hiện tại của các doanh nghiệp có thể thay đổi phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trong thời gian tới. Đơn cử, Hóa chất Đức Giang được dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III/2021 sẽ tiếp tục tăng mạnh tương ứng 45,2% và 69,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.300 tỷ và 400 tỷ đồng. Công ty cũng vừa nâng dự báo lợi nhuận năm 2021 thêm 36,4% so với kế hoạch ban đầu, ước đạt 1.500 tỷ đồng. Với kết quả này, P/E của Công ty ở mức 16,8 lần năm 2021.

Báo cáo của FiinPro ước tính, dưới tác động của Covid-19, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết sẽ bị chậm lại trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, nhờ mức tăng ấn tượng nửa đầu năm 2021 (tăng 68,5% so với cùng kỳ 2020), nếu lợi nhuận nửa cuối năm nay chỉ tương đương mức cùng kỳ năm 2020 thì các doanh nghiệp niêm yết vẫn có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cả năm là 31,5%, tương ứng với mức P/E hiện tại là 16 lần. Còn nếu lợi nhuận nửa cuối 2021 chỉ bằng 70% cùng kỳ năm 2020 thì các doanh nghiệp có thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 ở mức 13%.

Chuyên đề