Ảnh Internet |
Theo CNN Money, OECD cho biết tỷ lệ người có việc làm trung bình tại các nước phát triển đạt gần 62% tính đến cuối năm 2017, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Số lượng vị trí tuyển dụng đạt con số cao kỷ lục tại nhiều thị trường.
Tuy nhiên, OECD cảnh báo rằng tăng trưởng về lương thưởng hiện chỉ bằng một nửa so với thập niên trước, và vẫn còn “chậm hơn đáng kể” so với trước cuộc khủng hoảng tài chính. Lương thưởng ì ạch đã tác động đặc biệt lớn đối với nhiều người có thu nhập thấp.
“Xu hướng tăng trưởng chậm chạp này trong khi tuyển dụng gia tăng đã làm nổi bật những thay đổi cấu trúc nền kinh tế thế giới, ăn sâu từ cuộc khủng hoảng toàn cầu”, Tổng thư ký OECD Ángel Gurría cho biết.
Tổ chức có trụ sở tại Paris nhận định rằng một số yếu tố đã góp phần khiến tăng trưởng lương thưởng yếu.
Đầu tiên là lợi ích về năng suất và tiến bộ kỹ thuật, vốn giúp thúc đẩy mức lương cao hơn, đang được thực hiện chỉ bởi một số ít các công ty “siêu sao”. Trong khi các doanh nghiệp khác và công nhân của họ đang tụt lùi lại phía sau. Nhiều công ty không muốn đầu tư vào công nghệ mới và đổi mới vì rủi ro địa chính trị ngày càng tăng. Một số lo lắng về cuộc chiến thương mại có thể xảy ra, trong khi một số khác lo ngại về tác động của Brexit. Việc thiếu đổi mới khiến người lao động làm ra giá trị ít hơn. Các công ty có năng suất thấp không có khả năng tăng lương.
Lý do thứ hai là trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhiều công nhân chần chừ yêu cầu tăng lương hoặc chuyển việc bởi họ e ngại từ sau khi bị thất nghiệp do khủng hoảng tài chính. OECD cho biết các công việc bị biến mất trong cuộc khủng hoảng tài chính không hẳn giống như các công việc được tạo ra sau đó. Những người bị thất nghiệp vào năm 2008 có thể nhận thấy các kỹ năng của họ không còn phù hợp với cơ hội việc làm mới.
Ngoài ra, OECD cho hay nữ giới chịu nhiều rủi ro hơn là nam giới trong việc thay đổi công ăn việc làm, và tăng trưởng tiền lương của họ chậm dần theo thời gian.