Quảng cảnh phiên tòa |
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, có đủ cơ sở kết luận quá trình triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính đề ra chủ trương, chỉ định PVC là tổng thầu, chỉ định PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tạm ứng 6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích hơn 1.100 tỷ đồng, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Nhưng thực tế, PVC không đảm bảo tài chính, không đủ kinh nghiệm, trái với chỉ đạo của công văn Chính phủ.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, tất cả các bị cáo khác đề thừa nhận hành vi, chỉ bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm, cho rằng chỉ định PVC là tổng thầu có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sai phạm là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực hiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, không có tình tiết mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng. Bị cáo Thăng không có tình tiết giảm nhẹ mới, do đó, đề nghị giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài đã nêu 6 nội dung bào chữa, trong đó tập trung xung quanh vấn đề ký hợp đồng EPC 33 khi chưa đủ điều kiện, chỉ đạo chỉ định thầu PVC không đủ điều kiện năng lực tài chính, chỉ đạo tạm ứng tiền cho PVC.
Theo Luật sư Hoài, hợp đồng EPC số 33 đúng là chưa đủ điều kiện, còn phải bổ sung hồ sơ thiết kế..., nhưng việc này không sai, bởi Thông báo số 302 của Văn phòng Chính phủ cho phép PVN thực hiện Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo cơ chế đặc biệt: triển khai thiết kế chi tiết dự án cùng thời với việc trình các cấp thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.
Vấn đề liên doanh với nhà thầu nước ngoài, giai đoạn đầu, PVPower ký hợp đồng tư vấn thiết kế, thẩm định thiết kế, dự taosn... với các nhà thầu nước ngoài. Nhưng thực tế triển khai dự án, PVN không thể thực hiện liên doanh vì lý do bảo lãnh.
Dự án sử dụng vốn vay và PVN chỉ có thẩm quyền thu xếp bảo lãnh cho nhà thầu PVC mà không thể làm thế với nhà thầu nước ngoài. Chính phủ mới có thẩm quyền này. Ông Đinh La Thăng có văn bản báo cáo vấn đề này. Do đó, không thể bảo lãnh đưa phần vốn vay của nhà thầu nước ngoài nên phương án liên doanh không thể thực hiện được.
“PVC không đủ năng lực, khó khăn tài chính do tiếp nhận nhiều dự án của PVN giao. Đó là thực tế” – luật sư Phan Trung Hoài nói. Nhưng nếu PVC không đủ năng lực, thì vì sao những sai sót, khiếm khuyết không bị phát hiện bởi việc thẩm định sau đó.
Tháng 8/2011, ông Thăng chuyển công tác. Tháng 9/2011, PVN có tổ chức Tổ thẩm định để thẩm định việc chỉ định thầu trong đó có tiến hành thẩm định năng lực hồ sơ tài chính của PV và đi đến kết luận đề nghị phê duyệt kết quả chỉ định thầu. Đến nay PVC vẫn là tổng thầu duy nhất và tiến độ dự án đạt trên 93%.
Cùng bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng ông Thăng có chỉ đạo đôn đốc thực hiện dự án nhưng không có căn cứ, bằng chứng chứng minh ông Thăng đã chỉ đạo để hỗ trợ cho PVC.
Khi PVPower xin tăng vốn để đủ điều kiện tạm ứng cho PVC, ông Thăng đã phê vào công văn là: Phương án tăng vốn đâu? PVN không phải thủ quỹ của PVPower. Do đó, không thể nói là ông Thăng đã chỉ đạo tạm ứng để hỗ trợ cho PVC.
Luật sư Thiệp cho rằng, ông Vũ Huy Quang (nguyên Tổng giám đốc PVPower), người trực tiếp ký hợp đồng sai trái số 33 và hiện ngồi ngoài với vị trí nhân chứng.
Ông Quang khai đã trong cuộc họp tại PVN ngày 31/3/2011, ông đã báo cáo rõ với ông Thăng và toàn thể lãnh đạo PVN việc hợp đồng 33 có thiếu sót, chưa đủ cơ sở pháp lý, cần phải ký lại.
Luật sư Thiệp cho rằng, lời khai của ông Quang là vì quyền lợi của chính mình, không đảm bảo khách quan. Trong cuộc họp đó có hàng chục người mà tất cả mọi người đều không nghe không thấy, chỉ mình ông Quang khai đã báo cáo. Kết luận cuộc họp cũng không có nội dung ông Quang khai.
Luật sư Thiệp kết luận, ông Thăng chỉ có lỗi ở chỗ: vì trách nhiệm của người đứng đầu nên đã nôn nóng, nóng vội, ban hành chỉ đạo đôn đốc dự án chứ không phải hành vi Cố ý làm trái. Việc quy kết tội Cố ý làm trái cần phải xem lại.
Luật sư thứ 3 bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Đào Hữu Đăng nhấn mạnh, bị cáo Đinh La Thăng không kêu oan, bị cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại về tội danh.
Cả 3 luật sư của bị cáo Đinh La Thăng đều đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét phân định giới hạn phạm vi trách nhiệm của 4 cấp trong PVN gồm trách nhiệm HĐTV, Chủ tịch HĐTV, trách nhiệm Ban Tổng giám đốc, Ban quản lý dự án, các đơn vị thành viên hạch toán độc lập như PVC, PVPower.
Về đánh giá thiệt hại và trách nhiệm dân sự, Luật sư Đào Hữu Đăng cho rằng việc áp dụng lãi suất là không phù hợp bởi tiền PVN tạm ứng cho PVC được chuyển từ tài khoản tiền gửi. Do đó, áp dụng lãi suất tiền gửi để tính thiệt hại là không có căn cứ.