Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm xây dựng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là chủ động kiến tạo phát triển, quyết định tương lai, không chỉ dựa trên hiện trạng để ứng phó. Đây là thay đổi rất lớn về tư duy khi lập Quy hoạch. Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ xác định cần phải giải quyết các vấn đề tăng cường liên kết Vùng, tổ chức không gian phát triển Vùng khoa học, hợp lý nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của Vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương. Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong Vùng để triển khai lập Quy hoạch.
Theo Bộ trưởng, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được chỉ đạo thực hiện bài bản công phu trên cơ sở bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 16 quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngay khi bắt tay xây dựng Quy hoạch, Bộ KH&ĐT chủ động phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng khung định hướng. Theo đó, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, cuộc khảo sát để tham vấn ý kiến các chuyên gia, 6 địa phương và đồng thời tham chiếu các định hướng lớn của 6 địa phương, để cập nhật vào Quy hoạch Vùng. Theo đó, Quy hoạch vùng Đông Nam bộ xác định các định hướng đổi mới tăng trưởng với các ngành mới như công nghệ cao, đóng vai trò, vị thế trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; xác định các cơ hội, các động lực chủ yếu của Vùng trong giai đoạn tiếp theo. Quy hoạch cũng đã xác định tổ chức Đông Nam Bộ thành 3 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, 2 hành lang xanh…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bộ KH&ĐT |
Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ lần 2 tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là một bước rất quan trọng để sớm hoàn thiện nội dung Quy hoạch. Với quan điểm chủ động kiến tạo phát triển, hướng tới phát triển Vùng nhanh và bền vững, tháo gỡ những nút thắt điểm nghẽn, đề ra mục tiêu, phương án phát triển cho thời gian tới, Hội nghị tập trung ý kiến vào một số nội dung lớn như: quan điểm điểm phát triển, bố trí không gian, mục tiêu phát triển, xác định các ngành, định hướng các ngành có lợi thế, nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết, phát triển kết cấu hạ tầng, huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước; Quy hoạch Vùng phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tinh thần chung là kiến tạo phát triển và đẩy mạnh liên kết Vùng. Quy hoạch phải bám sát và cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và các kế hoạch phát triển 5 năm, chiến lược 10 năm của đất nước, bám sát quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành... Quy hoạch Đông Nam Bộ phải mở, phải có nguồn lực thực hiện, tổ chức quy hoạch khoa học, hiệu quả, bám sát tình hình thực tiễn để vận dụng và thực hiện một cách khả thi, bài bản. Quy hoạch phải làm rõ vai trò, vị trí đặc biệt của vùng Đông Nam Bộ đối với tổng thể quốc gia, từ đó tìm ra cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh...
"Chúng ta chọn cách tiếp cận đột phá cho vùng Đông Nam Bộ chứ không phải cách tiếp cận tịnh tiến. Đột phá về tư duy, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn và dựa vào 3 trụ cột để triển khai gồm: con người - thiên nhiên - truyền thống văn hóa lịch sử. Về mục tiêu, Đông Nam Bộ nên chọn mục tiêu cao, xác định một trung tâm lớn nhất, cho sự phát triển chung của đất nước. Vấn đề là lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, cơ chế chính sách thế nào để thực hiện kịch bản tăng trưởng cao. Chúng ta chọn phương án trung bình là không ổn”, Thủ tướng Chính phủ nhận xét. Theo đó, cần xác định nguồn lực bên trong là cơ bản lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Thiết lập hài hòa các nguồn lực, nguồn lực bên trong là 3 trụ cột nói trên, nguồn lực bên ngoài là tài chính, thể chế.
Theo Thủ tướng, cơ chế là nguồn lực, nhận thức là nguồn lực. Đông Nam Bộ cần có dự án lớn, mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái. Đơn cử như, xây dựng Trung tâm trung chuyển quốc tế Cái Mép - Cần Giờ ở 2 bờ sông Thị Vải. Hình thành trung tâm này để cạnh tranh với các trung tâm logicstic lớn quốc tế chứ không phải như cách nhận thức hình thành cảng Cần Giờ sẽ cạnh tranh với khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng, cần chọn kịch bản cao và mục tiêu Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế.
"Cần cơ chế đặc biệt, sự tiếp cận mang tính đột phá, quốc gia đầu tư cho Vùng. Có thể đầu tư vào đây 30 - 50% nguồn lực quốc gia để sau đó Vùng đóng góp trở lại cho cả nước", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đối với phân vùng không gian kinh tế, theo ông Phan Văn Mãi, cần xác định Đông Nam Bộ là công nghiệp - dịch vụ, từ đó cần có sự mở rộng không gian kinh tế theo hướng Vùng nhận vai trò là đầu mối khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Về không gian đô thị, cần phát triển theo hướng đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng tri thức, sáng tạo, thông minh.
Sau Hội nghị, Bộ KH&ĐT sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch để trình phê duyệt theo quy định. Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm đưa Đông Nam Bộ phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò chiến lược.