Lời đe dọa Triều Tiên có thể phản tác dụng của Trump

Những lời ám chỉ khả năng tấn công phủ đầu của Trump càng khiến Triều Tiên tin rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới bảo vệ được họ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters.

Cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bình Nhưỡng ngày càng trở nên quyết liệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố rằng lời đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên của ông là "chưa đủ cứng rắn". Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng cách phản ứng này của ông Trump sẽ phản tác dụng, khiến tình hình ngày càng phức tạp và càng củng cố niềm tin của lãnh đạo Triều Tiên rằng họ không thể từ bỏ vũ khí hạt nhân, theo Business Insider.

Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra sau khi Triều Tiên cho biết họ đang xem xét kế hoạch quân sự tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. Kế hoạch này được Bình Nhưỡng công khai nhằm đáp trả lời đe dọa của Trump rằng Triều Tiên sẽ hứng chịu "lửa và giận dữ" nếu không chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên hôm qua còn ra một tuyên bố mới, cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với "ngày tận thế" nếu nước này vẫn duy trì chính sách khiêu khích Triều Tiên.

Nhiều chuyên gia nhận định cách hành xử của cả Washington và Bình Nhưỡng đang khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên bất ổn hơn bao giờ hết, chỉ cần một sơ suất là có thể châm ngòi cho chiến tranh bất cứ lúc nào. Việc ông Trump liên tục ám chỉ đến khả năng tung đòn tấn công phủ đầu vào Triều Tiên càng khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm thấy bất an.

"Đối với Triều Tiên, họ cho rằng chương trình hạt nhân mà mình phát triển từ thập niên 1960 là chính đáng", James Person, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, nhận định. "Người Triều Tiên luôn cho rằng chương trình này được thực hiện để đảm bảo an ninh và không bị tấn công".

Person tin rằng với việc không đưa ra lời đảm bảo với Bình Nhưỡng rằng Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở nước này hay tính đến phương án tấn công phủ đầu, ông Trump đang tạo ra lý do chính đáng hơn bao giờ hết để Triều Tiên tiếp tục bám chặt lấy chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Lấy dẫn chứng từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào thập niên 1960, Reid Pauly, chuyên gia về học thuyết răn đe và trấn an, cho rằng lời đe dọa sử dụng biện pháp quân sự chỉ là một phần rất nhỏ trong gói giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng.

"Phần còn lại chính là thỏa thuận hai bên cùng rút tên lửa khỏi Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ và quan trọng nhất là cam kết của Mỹ không tiến hành xâm lược Cuba", Pauly giải thích.

Chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Triều Tiên không hề nghi ngờ về sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Điều khiến họ nghi ngờ chính là mức độ tin cậy trong cam kết của Mỹ không can thiệp quân sự vào quốc gia này. "Khi Mỹ chưa đảm bảo được mức độ tin cậy của lời cam kết này, Triều Tiên vẫn sẽ bấu víu vào khả năng răn đe hạt nhân của họ", ông nói.

Timothy McKeown, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bắc Carolina, người chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của các quốc gia, cho rằng việc Mỹ tính đến phương án tấn công hạt nhân phủ đầu "có thể làm gia tăng nỗi lo sợ của Triều Tiên rằng họ đang ở thế 'được ăn cả, ngã về không' liên quan đến vũ khí hạt nhân của mình".

"Một kết luận điển hình của thuyết răn đe thời Chiến tranh Lạnh là khả năng răn đe đã mất vào thời điểm một hoặc cả hai bên cho rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi", McKeown nói. "Khi điều đó xảy ra, quyết định được quan tâm duy nhất là bắt đầu cuộc chiến lúc nào, như thế nào, chứ không phải là có nên khai chiến hay không".

Lời đe dọa Triều Tiên có thể phản tác dụng của Trump ảnh 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh:KCNA.

Các chuyên gia đều cho rằng Triều Tiên trên thực tế không hề có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân để vô cớ tấn công nước Mỹ. "Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ muốn giữ vững chế độ của mình và ông hiểu rằng nếu phát động tấn công hạt nhân, Triều Tiên sẽ bị hủy diệt và chính quyền của ông sẽ kết thúc", cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry nhận định.

"Triều Tiên đã nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng đặt chương trình hạt nhân lên bàn đàm phán nếu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với họ", Joel Wit, chuyên gia cấp cao tại Viện Mỹ-Hàn thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao John Hopkins, cho biết.

Giới phân tích cho rằng biện pháp hạ nhiệt căng thẳng và giảm bớt nguy cơ nổ ra chiến tranh tốt nhất hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là Mỹ cần chấm dứt những phản ứng có thể khiến Triều Tiên hiểu nhầm rằng họ sắp hứng chịu đòn tấn công phủ đầu.

"Chúng ta cần phải giảm tông trong giọng điệu của mình và coi đây là một trong những cách răn đe hiệu quả", Terence Roehrig, giáo sư về an ninh quốc gia tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói. "Mục tiêu chính của Triều Tiên vẫn chỉ là ngăn Mỹ có bất cứ hành động nào thay đổi chế độ ở nước này".

Chuyên đề