Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán (hụt thu khoảng 23 nghìn tỷ đồng). Ảnh: Minh Dũng |
Đây là vấn đề mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội lưu ý Chính phủ cần phải phân tích rõ hơn và có giải pháp để đảm bảo nguồn thu bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thu NSNN thực hiện 9 tháng năm 2019 đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Ước cả năm thu NSNN vượt 3,3% (khoảng 46.000 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương (NSTW) ước vượt từ 8 - 11 ngàn tỷ đồng và là năm thứ 2 liên tiếp vượt dự toán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu trong 5 năm 2016 - 2020 ước đạt kế hoạch 6,8 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 24,4% GDP, vượt kế hoạch 23,5% GDP. Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân của giai đoạn 2011 - 2015 là 68% thì giai đoạn 2016 - 2018 là 80,5% và lên mức 82% năm 2019, 83,8% năm 2020. Con số thực hiện phấn đấu đạt 84%. Trong khi thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ mức bình quân của giai đoạn 2011 - 2015 là 30%; giai đoạn 2016 - 2018 là 19%, năm 2019 là 17,7% và năm 2020 là 16,1%.
Theo Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải, thu NSNN chưa bền vững. Dẫn chứng là thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán; cả 3 khoản thu có ý nghĩa quan trọng từ phát triển kinh tế là thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán với mức giảm tương ứng là 5,9%, 4,1%, 1,9% so với dự toán. Việc tăng thu so với dự toán chủ yếu là do tăng các khoản thu không có tính bền vững, như thu cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước (tăng 40,8%), thu tiền sử dụng đất (tăng 29,9%), thu xổ số kiến thiết (tăng 6,2%)...
“Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán (hụt thu khoảng 23 nghìn tỷ đồng). Đây là năm thứ 3 liên tiếp thu từ các khu vực trên không đạt dự toán, mặc dù số thu giao đã giảm so với 3 năm trước. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đức Hải nói. UBTCNS đề nghị cần tiếp tục đánh giá tác động của những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp hiện nay; nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, chất lượng, hiệu quả hơn đối với sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Hải, thu NSTW vượt dự toán (dự ước từ 8 - 11 nghìn tỷ đồng), nhưng Báo cáo của Chính phủ chưa nêu chi tiết kết quả các khoản thu cụ thể để đánh giá về sự vững chắc của nguồn thu này, đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp. Đối với thu ngân sách địa phương, UBTCNS cho rằng, năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ và HĐND giao. Một số địa phương là trọng điểm thu NSNN lại có tiến độ thu chậm, như: TP. Hà Nội, TP.HCM…
UBTCNS cũng lưu ý, đối với thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tuy tăng 11,5% so với dự toán, nhưng từ nay đến cuối năm, có thể xảy ra những biến động đối với hoạt động này do chiến tranh thương mại giữa các nước lớn và chính sách biên mậu của các nước có liên quan sẽ thay đổi. Vì thế, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này.