Lo ngại lãi vay cao và nợ xấu gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 vừa công bố, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu một số vấn đề cần quan tâm, trong đó có tình trạng lãi vay cao và nợ xấu gia tăng.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao. Báo cáo của Chính phủ chỉ ra, lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối năm 2022.

Tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp 2,75% so với đầu năm, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nợ xấu có xu hướng tăng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, giá trị nợ xấu tăng 40,2% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 8,8%). Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3/2023 là 2,88 % (cuối năm 2022 là 2,05%).

Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu bình quân toàn hệ thống là 80,8% (cuối năm 2022 là 114,2%). Tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu trong cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân bình quân toàn hệ thống là 54,1% (cuối năm 2022 ở mức 77,2%).

Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp khó khăn, trong quý I, tổng giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và TPDN lần lượt đạt 1,7 nghìn tỷ đồng và 28,96 nghìn tỷ đồng, giảm 92% và 87,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường bất động sản (BĐS) và doanh nghiệp BĐS tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ TPDN năm 2023 lớn, nhất là quý III dự kiến có khoảng 104 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới.

Một số vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là những bất cập trong việc nhân viên ngân hàng tư vấn đầu tư TPDN, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người gửi tiền chuyển sang mua TPDN, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.

Trong đó, có tình trạng nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền gửi của khách hàng với số tiền rất lớn; tư vấn đầu tư TPDN, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua TPDN hoặc gửi tiết kiệm bị chuyển thành tham gia bảo hiểm nhân thọ; hay nhiều người dân lên tiếng việc bị các công ty bảo hiểm, nhân viên công ty bảo hiểm che giấu thông tin, lợi dụng vị thế trong giao dịch dân sự để ký các hợp đồng bảo hiểm dài hàng trăm trang với nhiều nội dung bất lợi cho khách hàng, bán chéo sản phẩm bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn…

Chuyên đề