Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Giá dầu thô bật tăng sau hai phiên giảm, sau khi dữ liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh.
Vừa bán mạnh cổ phiếu, các nhà đầu tư vừa đổ tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ - một tài sản được xem là “vịnh tránh bão”. Cổ phiếu giao thông thuộc chỉ số Dow Jones, một nhóm có độ nhạy cảm lớn với chu kỳ kinh tế, sụt 3,3% - cú giảm mạnh nhất kể từ tháng 10. Giá trái phiếu tăng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm còn 1,25%, thấp nhất kể từ tháng 2.
Thị trường lo ngại sau khi báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ tăng. Ngoài ra, việc Delta trở thành biến chủng Covid-19 phổ biến nhất ở Mỹ cũng làm gia tăng nỗi bất an.
Tuy nhiên, giới phân tích nhấn mạnh rằng thị trường đang cách không xa mức điểm kỷ lục và xu hướng tăng có thể không đứt gãy.
“Về cơ bản, chúng ta vẫn đang ở vùng cao nhất mọi thời đại, nên tôi không nghiêm trọng hoá diễn biến ngày hôm nay của thị trường”, Phó chủ tịch Oliver Pursche của Wealthspire Advisors phát biểu. “Thị trường trái phiếu đang phải ánh rằng khả năng lạm phát cao kéo dài sẽ không trở thành hiện thực”.
“Có thể nói rằng môi trường hiện nay là hoàn hảo: nền kinh tế tăng trưởng đủ mạnh, nhưng không đến mức buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thay đổi chính sách nhanh và mạnh hơn so với những gì họ đã công bố”, ông Pursche nói.
Hôm thứ Tư, Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 6 cho thấy ngân hàng trung ương này tin rằng nền kinh tế chưa thực sự hồi phục. Tuy nhiên, Fed cũng đã bắt đầu cuộc thảo luận về chủ đề thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ ngày 8/7, số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng nhẹ lên 373.000, một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của nước này hồi phục chưa đều.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,75%, còn 34.421,93 điểm. S&P 500 sụt 0,86%, còn 4.320,82 điểm. Nasdaq trượt 0,72%, còn 14.559,79 điểm.
Trên thị trường trái phiếu, các nhà giao dịch đang mua mạnh để đóng các trạng thái bán khống. Lợi suất kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tính đến phiên này đã giảm liền 8 phiên.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, với mức giảm mạnh nhất thuộc về nhóm tài chính.
Việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với các công ty công nghệ lớn của nước này cũng làm suy giảm tâm lý ham thích rủi ro của giới đầu tư ở Phố Wall. Cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết ở Mỹ có thêm một phiên giảm mạnh: Didi giảm 5,9%; Alibaba sụt 3,9%; Baidu trượt 3,7%...
Tuần tới, các ngân hàng lớn của Mỹ sẽ khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 ở Phố Wall. Giới phân tích hiện dự báo lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 tăng 65,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 54% đưa ra hồi đầu quý.
Giá dầu thô đã tăng trở lại sau hai phiên giảm liên tiếp. Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,94%, chốt ở 74,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,02%, đạt 72,94 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá cả hai dầu giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do nhà đầu tư cho rằng mâu thuẫn trong OPEC+ có thể dẫn tới việc các thành viên của liên minh này từ bỏ thoả thuận hạn chế sản lượng và khai thác dầu tuỳ thích. Dù hồi phục, giá dầu Brent hiện vẫn thấp hơn khoảng 3 USD/thùng so với mức đóng cửa hôm thứ Hai.
Sau đó, giá dầu được hỗ trợ bởi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm 6,9 triệu thùng trong tuần trước, còn 445,5 triệu thùng. Mức giảm này vượt xa mức giảm 4 triệu thùng mà giới phân tích dự báo. Tồn kho xăng cũng giảm 6,1 triệu thùng, còn 235,5 triệu thùng, thay vì giảm 2,2 triệu thùng như dự báo.