“Lỗ hổng” pháp lý trong chống gian lận xuất xứ

(BĐT) - Dù đã đạt nhiều kết quả trong đấu tranh chống gian lận xuất xứ song ngành hải quan cho biết, công tác này vẫn rất cam go và đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các quy định pháp lý chưa đầy đủ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

“Soi kỹ” xe đạp, gỗ, pin, đèn

Từ tháng 10/2019 đến nay, Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã kiểm tra 9 doanh nghiệp (DN) và chỉ đạo 9 cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra 24 DN. Trong đó, vụ việc tại Công ty TNHH Xe đạp Excel đã có kết quả kiểm tra. Đây là công ty 100% vốn đầu tư của Trung Quốc, thành lập năm 2018, chuyên lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu.

Qua kiểm tra đã phát hiện, Công ty nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh. Các linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào khác và lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Qua đấu tranh của cơ quan hải quan, Công ty đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Trong quá trình kiểm tra còn phát hiện Công ty đã thực hiện các hành vi gian dối để được cơ quan có thẩm quyền (VCCI chi nhánh TP.HCM) cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O Form B). Hiện VCCI đã thu hồi giấy chứng nhận xuất xứ này.

Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng đã phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 4 DN, gồm: 3 DN lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 1 DN lắp ráp mặt hàng đồ gỗ (giá, kệ bếp).

Đối với các DN còn lại, cơ quan hải quan đang tiếp tục củng cố, làm rõ các dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, mở rộng kiểm tra một số nhóm hàng như: Pin năng lượng mặt trời, đèn LED…

Nhiều chiêu trò chống đối

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác này, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết: “Mới đây nhất, chúng tôi đã có cuộc làm việc với một DN xe đạp nước ngoài có nghi vấn gian lận xuất xứ đến tận 1 giờ đêm. Trong quá trình làm việc, DN mời cả luật sư để cùng giải trình, giám đốc DN thậm chí đập bàn đập ghế và bước ra khỏi phòng làm việc với lý do bận đi công tác, sau đó không ủy quyền cho người khác tiếp tục giải quyết công việc”.

Sau vụ việc của Công ty TNHH Xe đạp Excel, các DN còn lại có biểu hiện co cụm chống đối, lấy nhiều lý do như người phiên dịch dịch chưa rõ nội dung, cần dịch lại, giám đốc bận đi công tác nước ngoài gấp… để cố tình không ký các biên bản làm việc, biên bản vi phạm hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, tẩu tán tài sản…

Mặc dù Khoản 2, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định rõ đối với trường hợp này nhưng vẫn rất khó khăn trong xử lý kết quả kiểm tra.

Bên cạnh đó, tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Điều 9 “Công đoạn gia công, chế biến đơn giản” quy định còn chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan hải quan với DN để xác định công đoạn gia công đơn giản gặp nhiều khó khăn.

Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định tại Điều 25, Nghị định 31/2018/NĐ-CP, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan hải quan với DN về việc xác định hành vi tự chứng nhận xuất xứ của DN gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn có sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.

Từ những bất cập đó, TCHQ kiến nghị Bộ Công Thương sớm rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, sửa đổi và bổ sung các công đoạn gia công chế biến đơn giản để phù hợp với tình hình hiện nay.

Chuyên đề