Lo đại sự quốc gia cũng cần tính đến thân phận 2.000 trẻ em mồ côi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho rằng, Chương trình sóng và máy tính cho trẻ em đã được mặt “sóng”, còn máy tính vẫn là chuyện chưa thể xong ngay. Mặt khác, khi lo chuyện đại sự quốc gia do tác động của Covid-19, cũng cần tính đến thân phận của 2.000 trẻ em mồ côi cần có hồ sơ lý lịch để hỗ trợ các em lâu dài.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Internet
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Internet

Thảo luận ở Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV ngày 21/10, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho rằng, trong từng cơ quan vẫn chưa định hình rõ tư duy sống chung với dịch. Bà Hoa đề xuất cần hiện thực hóa việc này trong triển khai thực hiện, đặc biệt là cụ thể hóa cách hành xử của từng địa phương. Điều này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ.

Về tình trạng lao động việc làm và đào tạo nghề, theo vị đại biểu này, tỷ lệ lao động mất việc làm rất lớn, lực lượng lao động di cư, hồi hương cho thấy chắc chắn khi các doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất sẽ đối mặt với việc tìm lao động khó khăn.

“Đối mặt với đại dịch cho thấy một số ngành nghề phải thay đổi, ngành nghề mới hình thành, lực lượng lao động phải thay đổi. Chiến lược giáo dục nghề nghiệp 2021 - 2030 phải tính đến vấn đề này. Việc sống chung với dịch không phải tính bằng tháng hay một, hai năm mà cần có tầm nhìn dài hạn. Do đó, cần dự báo được tình hình chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu chuyển đổi nghề nghiệp”, bà Hoa nói.

Hơn nữa, theo bà Hoa, trong hành trình hồi hương của người lao động còn có rất nhiều trẻ em nên nguy cơ trẻ em thất học là hiện rõ. Đây là vấn đề rất khó khăn, dù có rút gọn chương trình học, hỗ trợ các em học hành nhưng điều đáng quan tâm là chính sách phải đến với từng đối tượng. Chương trình sóng và máy tính cho em đã được về mặt “sóng” nhưng số máy tín hiện nay từ tiền thành máy là câu chuyện dài, làm nhanh cũng phải hết năm, thậm chí năm sau.

Do đó, lĩnh vực giáo dục sẽ sống chung với Covid-19 như thế nào là điều cần tính toán ở 2 khía cạnh: cung cấp máy cho học sinh nghèo và chuyển đổi số cho ngành giáo dục. Về tương lai, phải tính giáo dục trực tuyến, đảm bảo chất lượng trên một sàn chung, sau đó sẽ phân loại học sinh để phù hợp với các kỳ thi tuyển sinh khác nhau.

Mặt khác, trong những mối lo đại sự quốc gia cũng cần tính đến thân phận của 2.000 trẻ em mồ côi cần có hồ sơ lý lịch để hỗ trợ các em lâu dài.

Chuyên đề