Lấy người dân, DN làm trung tâm trong mọi quyết sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc gặp gỡ đại diện giới doanh nhân trước thềm Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay Bộ Chính trị đang tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 9/12/2011.
Doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Ảnh: Lê Tiên

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, môi trường kinh doanh liên tục được nâng hạng nhờ cải thiện mạnh mẽ thể chế, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) phát triển cả về số lượng và quy mô. Bước sang giai đoạn phục hồi kinh tế hậu Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng, phải chủ động hơn nữa trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý để tạo cơ hội cho DN nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng.

Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được xem là một trong những văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước về doanh nhân, trong đó khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân và các quan điểm, chính sách, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Nghị quyết số 09/NQ-TW đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức về vai trò, vị thế của DN, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước.

10 năm qua, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của DN, doanh nhân đã được xây dựng và dần hoàn thiện. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội các khóa đã thông qua 72 đạo luật, pháp lệnh, nghị quyết về đầu tư, kinh doanh như Luật DN (năm 2014, năm 2020), Luật Đầu tư (năm 2014, sửa đổi năm 2016, năm 2020), Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (năm 2017), Luật Đầu tư công (năm 2014, năm 2019)… Từ đó góp phần hoàn thiện pháp luật về sở hữu và thể hiện thực chất hơn quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, minh bạch về điều kiện đầu tư kinh doanh. Đồng thời tạo cơ sở để phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN.

Trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19, nhiều DN ghi nhận và đánh giá cao việc Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều gói chính sách tức thì, linh hoạt để hỗ trợ người dân và DN. Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng, đối tượng thụ hưởng chính sách là DN còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, chính sách đã có nhưng DN chưa thực sự được hưởng tối đa lợi ích của những chính sách ưu việt này.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những khó khăn lớn nhất của cộng đồng DN hiện nay là tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật. Một dự án đầu tư kinh doanh phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, DN mất rất nhiều công sức và chi phí để làm thủ tục. Dưới các luật này còn có nhiều nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn và đều thay đổi rất nhanh, tạo ra sự không đồng bộ và thiếu rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Chỉ cần một trục trặc trong “ma trận” văn bản này, thì cả dự án bị dừng lại.

Một số DN cho rằng, thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng công nghệ nhưng cách tiếp cận về khuôn khổ pháp lý chưa thống nhất, đồng bộ… DN khởi nghiệp sáng tạo mới thành lập khó đáp ứng điều kiện về năng lực, kinh nghiệm để được tham gia các dự án mua sắm công.

Do đó, ông Tuấn khuyến nghị, các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật cần minh bạch một cách thực chất hơn nữa quy trình xây dựng pháp luật, có giải trình quan điểm vì sao không tiếp thu để tránh trường hợp ý kiến của DN như “hòn đá ném ao bèo”, làm mất niềm tin, giảm động lực góp ý tích cực vào quá trình hoàn thiện pháp luật.

“Chúng ta đã hội nhập nên việc chỉnh sửa các văn bản pháp luật cũng phải có tính hội nhập, thì sau này các dịch vụ pháp lý ở Việt Nam mới có cơ hội phát triển. Thực tế có rất nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết yêu cầu giải quyết tranh chấp, xét xử theo luật nước ngoài. Mỗi khi thông qua luật, Quốc hội nên kiểm tra tính đồng bộ của nghị định, thông tư để đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của luật và áp dụng được ngay”, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phú Thái đề xuất.

Dự kiến trong Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (từ ngày 20/10 - 3/11/2021), Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến DN, cũng như tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN để phục hồi và kích thích phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới. Xa hơn, trong 5 năm tới, Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị ban hành kết luận về định hướng xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó xác định 135 luật, pháp lệnh cần được rà soát, đánh giá, hoàn thiện với lộ trình kèm theo trên cơ sở đề xuất của cộng đồng DN.

“Những vấn đề quan trọng đó rất cần tới tiếng nói, sự góp ý của cộng đồng DN Việt Nam. Tuy nhiên, công tác lấy ý kiến của cộng đồng DN cần có sự cải tiến, đổi mới. DN cần chủ động nghiên cứu, kịp thời phản ánh và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì không ai hiểu vấn đề của DN bằng chính bản thân DN. Sau khi dự luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, các cơ quan của Quốc hội cần tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng DN về các nội dung giải trình, tiếp thu cho thật thấu đáo, kỹ lưỡng. Trong mọi quyết sách, người dân và DN luôn được đặt ở vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư