Lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực kinh tế vừa được Thường trực Chính phủ đưa ra thảo luận là yêu cầu đổi mới tư duy trong quản lý để khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, Nhà nước lấy doanh nghiệp (DN) làm đối tượng phục vụ, đối tác để phát triển kinh tế, chứ không phải đối tượng quản lý.
Khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp vào việc hình thành tài sản cố định và đầu tư dài hạn của của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp vào việc hình thành tài sản cố định và đầu tư dài hạn của của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Giải phóng nguồn lực cho phát triển

Theo Dự thảo Đề án, thời gian qua, số lượng DN đăng ký thành lập mới gia tăng mạnh mẽ. Giai đoạn 2016 - 2018, trung bình mỗi năm Việt Nam có 122.744 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.221.744 tỷ đồng, tăng 49,3% về số DN, tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó. Năm 2020, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng cả nước vẫn có 134.941 DN mới. Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhờ những cải cách của Luật DN 2020.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, so sánh về số lượng DN thành lập mới hàng năm thì hiện nay đã gấp 10 lần so với 20 năm trước đây. Khu vực KTTN đã có nhiều đóng góp vào việc hình thành tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực DN nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Theo Dự thảo Đề án, những đổi mới nổi bật thời gian qua trong phương thức kiến tạo khung khổ pháp luật và môi trường thể chế cho sự phát triển của khu vực KTTN thể hiện ở 3 nhóm quy định. Một là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hai là gia nhập và rút lui khỏi thị trường, giảm chi phí cho DN. Ba là thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, chủ trương cổ phần hóa DNNN đã mở cơ hội và tạo điều kiện cho KTTN tham gia đầu tư phát triển cùng khu vực nhà nước. Nhiều DN tư nhân có cơ hội tham gia các dự án lớn, từ đó trưởng thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, thực tế vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế đối với sự phát triển của KTTN. Hoạt động cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), kiểm tra chuyên ngành để cải thiện môi trường kinh doanh chưa được thực hiện đồng bộ ở các bộ, ngành và địa phương nên hiệu quả chưa cao… Thậm chí, vẫn còn tư duy “nghiện quản lý” ở các cơ quan QLNN.

Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo

Để KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đổi mới toàn diện QLNN trong lĩnh vực kinh tế. QLNN phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển KTTN theo định hướng xã hội chủ nghĩa. “Điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó có KTTN, tạo mọi điều kiện cho KTTN yên tâm đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Đề cập giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức QLNN theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển KTTN.

Theo đó, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng thân thiện với thị trường, phản ánh các quy luật của thị trường. ĐKKD chỉ nhằm hạn chế, ngăn ngừa các nguy cơ phát sinh từ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. ĐKKD chỉ áp đặt đối với các nguy cơ không thể hạn chế, hay ngăn ngừa được bằng các giải pháp của thị trường…

Đánh giá cao đề xuất này, ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, KTTN sẽ là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, chúng ta cần xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN cũng như hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Liên quan đến vấn đề thanh, kiểm tra DN, ông Cung đề nghị, xem xét, sửa đổi căn bản chế độ thanh tra, kiểm tra DN, nhất là chế độ thanh tra chấp hành pháp luật theo kế hoạch; bãi bỏ chế độ kiểm tra DN.

Chuyên đề