Lăng kính đấu thầu ngày 6/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hà Nội, một gói thầu xây lắp quy mô nhỏ bị phản ánh đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự, thiết bị quá mức cần thiết, gây hạn chế cạnh tranh. Khảo sát cho thấy, một số gói thầu phải hủy ngang do không bố trí được nguồn vốn thực hiện.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tiêu chí cao hạn chế nhà thầu?

Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Trồng cây xanh kết hợp nạo vét và kè cứng hóa ao giữa làng tạo cảnh quan thôn Kim Tiên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội (giá dự toán 11,392 tỷ đồng) do UBND xã Xuân Nộn mời thầu bị phản ánh có các tiêu chuẩn đánh giá cao hơn yêu cầu của công việc mời thầu, gây hạn chế cạnh tranh.

Cụ thể, đối với vị trí chỉ huy trưởng công trình, HSMT yêu cầu có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm (theo bằng tốt nghiệp đại học); đã đảm nhận vai trò chỉ huy trưởng công trình tương tự trong vòng 12 tháng trở lại đây (công trình hoàn thành bàn giao không bị chậm tiến độ và không phải gia hạn tiến độ thực hiện, trừ trường hợp có phụ lục phát sinh bổ sung khối lượng hợp đồng).

Đối với công nhân trực tiếp thi công xây dựng công trình, HSMT yêu cầu công nhân lao động đã qua đào tạo và có chứng chỉ nghề (số lượng căn cứ theo biểu đồ nhân lực nhà thầu đề xuất) hoặc đề xuất tối thiểu 15 công nhân lao động trực tiếp có chứng chỉ đào tạo nghề; 100% công nhân lao động (hoặc tối thiểu 15 nhân sự) có thẻ/chứng nhận/chứng chỉ về an toàn lao động và phòng cháy chữa cháy.

Về thiết bị, HSMT quy định sử dụng thiết bị máy móc mới (máy mới, sản xuất từ 2018 trở lại đây).

Theo một số nhà thầu, đối với công trình xây lắp hạ tầng kỹ thuật quy mô nhỏ, cấp IV như gói thầu đang xét, thì việc HSMT đưa ra quy định quá cao về số năm kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt; hay quy định chứng chỉ, chứng nhận đối với các vị trí công nhân, lao động phổ thông là các tiêu chí đánh giá không cần thiết, không phù hợp, có thể dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Trước phản ánh của nhà thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Hiệp Thanh (đơn vị tư vấn lập HSMT) cho rằng, yêu cầu về nhân sự và máy móc là yếu tố quan trọng trong đề xuất kỹ thuật của nhà thầu, Bên mời thầu khuyến khích các nhà thầu đề xuất nhân sự, máy móc tốt hơn yêu cầu của HSMT nhằm bảo đảm tốt nội dung công việc của Gói thầu. HSMT theo đó được giữ nguyên.

Kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt vào tháng 5/2023 cho thấy, chỉ có Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng Tiến An tham dự và trúng thầu với giá 11,336 tỷ đồng.

Hủy thầu do không bố trí được vốn

Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng vừa phê duyệt quyết định hủy thầu đối với Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa khu thực hành thí nghiệm khoa Hóa - Trường Đại học Bách khoa (giá dự toán 2,219 tỷ đồng). Nguyên nhân hủy thầu là do tình hình tài chính khó khăn, Nhà trường không bố trí được vốn cho Gói thầu để thực hiện trong năm 2023 theo như kế hoạch. Việc hủy thầu được thực hiện theo Điều 86 Luật Đấu thầu quy định về xử lý tình huống trong đấu thầu.

Tính đến thời điểm hủy thầu, Gói thầu đã hoàn tất mở thầu với 4 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty TNHH Mai Phương Minh; Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thành Ngân Quỳnh; Công ty CP Nguyên Tam; Công ty CP Xây dựng và Thương mại An Phát.

Chuyên đề