Lăng kính đấu thầu ngày 30/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo quy định, bên mời thầu phải công bố kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết quả được phê duyệt. Song, nhiều bên mời thầu không tuân thủ quy định này. Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, vẫn tồn tại những gói thầu mua sắm trong lĩnh vực giáo dục bị phản ánh hạn chế nhà thầu.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Chậm công bố thông tin kết quả chọn nhà thầu

Ngày 27/11/2021, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải - Chi nhánh Tổng công ty Phát điện 1 công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu số 10 Cung cấp dịch vụ trung tu hệ thống bốc dỡ than CSU số 1 và CSU số 2 thuộc Dự án Sửa chữa lớn năm 2019. Theo đó, Công ty CP Máy và Vật tư thiết bị Sài Gòn trúng thầu với giá gần 11,798 tỷ đồng, tiết kiệm 0,8% (giá gói thầu là 11,896 tỷ đồng). Đáng chú ý, Gói thầu đã hoàn tất mở thầu trong tháng 11/2019, KQLCNT được Chủ đầu tư phê duyệt ngày 4/3/2020, với thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày.

Ngày 17/6/2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang phê duyệt KQLCNT Gói thầu số 01 Nâng cấp mặt đường, hố thu nước, bó vỉa, vỉa hè thuộc Dự án Đường số 4 - Đường số 5 - Đường số 8 - Đường số 12, huyện Kiên Lương. Theo đó, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phan Thịnh KG - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 68 trúng thầu với giá 11,182 tỷ đồng (giá gói thầu 12,048 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến ngày 26/11/2021, Bên mời thầu mới công bố KQLCNT.

Ngày 25/11/2021, Công an tỉnh Bạc Liêu công bố KQLCNT Gói thầu số 01 Toàn bộ phần xây lắp trụ sở công an các xã: Phước Long, Minh Diệu, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Hòa, Long Điền Tây, Long Điền Đông thuộc Dự án Cơ sở làm việc công an xã, thị trấn trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2. Theo đó, Liên danh Doanh nghiệp tư nhân Trang Tú - Công ty TNHH MTV Lê Uyên trúng thầu với giá 12,68 tỷ đồng, giảm 19 triệu đồng so với giá gói thầu. Được biết, KQLCNT được phê duyệt từ ngày 21/6/2021, thời gian thực hiện hợp đồng 8 tháng.

Nhiều “rào cản” tại gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục

Tại Gói thầu Mua sắm thiết bị phòng học, trang thiết bị đồ dùng nội trú thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình (giá dự toán 4,109 tỷ đồng), một nhà thầu phản ánh, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra nhiều tiêu chí đánh giá phức tạp, hạn chế cạnh tranh. Theo đó, Chương II HSMT quy định: “Nhà thầu phải nộp đầy đủ danh mục hàng mẫu để chủ đầu tư đánh giá, làm cơ sở để đối chiếu nghiệm thu hàng hóa (nếu trúng thầu). Cung cấp đến thời điểm đóng thầu”. Nhà thầu cho rằng, việc đưa yêu cầu trên vào HSMT là làm khó nhà thầu. Bởi danh mục hàng hóa mời thầu (bàn, ghế, bảng, tủ, giường…) đều là hàng thông dụng, đã có quy chuẩn, thông số cố định, không cần thiết phải cung cấp hàng mẫu.

Đối với yêu cầu “các hàng hóa chào thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất, hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương bản gốc, nếu nhà thầu không phải nhà sản xuất”, Nhà thầu phản đối khi cho rằng, tiêu chí trên không phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT và Chỉ thị số 47/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Nhà thầu phản ánh, HSMT gây hạn chế cạnh tranh khi yêu cầu nhà thầu phải có nhà xưởng tại miền Bắc đáp ứng diện tích tối thiểu 300 m2 để sẵn sàng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng và các dịch vụ khác sau bán hàng. Đồng thời, có tài liệu chứng minh như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tài liệu có giá trị pháp lý tương đương.

Khẳng định các tiêu chí trên là cần thiết, Chủ đầu tư bảo lưu toàn bộ HSMT và tiến hành mở thầu ngày 15/11/2021. Biên bản mở thầu ghi nhận, 3 nhà thầu tham dự gồm: Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Tràng An; Công ty TNHH Nội thất Oanh Bằng; Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T&T - Công ty TNHH Đại Lục.

Chuyên đề