Lăng kính đấu thầu ngày 14/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Lai Châu, một gói thầu mua sắm quy mô nhỏ bị hủy thầu do quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu không tuân thủ quy định pháp luật đấu thầu. Bên cạnh đó, một gói thầu bảo hiểm có dự toán chưa tới 1 tỷ đồng đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe khiến loạt doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải “chào thua”.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Hủy thầu do đấu thầu sai quy định

UBND huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) vừa phê duyệt quyết định hủy thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 04 Mua sắm camera an ninh trụ sở HĐND - UBND huyện năm 2022.

Gói thầu do Văn phòng HĐND và UBND huyện Phong Thổ tổ chức mời chào hàng cạnh tranh từ ngày 16 - 19/8/2022, với sự tham dự của 4 nhà thầu. Kết quả, nhà thầu xếp thứ 4 là Trung tâm Thương mại mua sắm Việt Hùng được phê duyệt trúng thầu. Tuy nhiên, quá trình rà soát, kiểm tra quy trình lựa chọn nhà thầu của UBND huyện cho thấy, Văn phòng HĐND và UBND Huyện đã mời đơn vị xếp thứ 4 vào thương thảo và ký hợp đồng khi chưa thực hiện các bước này với những nhà thầu xếp hạng trước đó, vi phạm nguyên tắc thương thảo hợp đồng theo quy định Khoản 5 Điều 40 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Tiêu chí khắt khe khó chọn nhà thầu

Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa thông báo hủy thầu đối với Gói thầu BH01/2022 Bảo hiểm công trình thuộc Dự án Xây dựng Bệnh viện Phụ sản Trung ương Cơ sở 2. Nguyên nhân là không có nhà thầu tham dự đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Gói thầu có giá dự toán 1 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 31/12/2022 - 11/1/2023.

Ngay sau khi HSMT được phát hành, ít nhất 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn đã có văn bản đề nghị Bên mời thầu cân nhắc, điều chỉnh nhiều tiêu chuẩn đánh giá tại HSMT. Cụ thể, HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020, 2021, 2022. Tuy nhiên, tại thời điểm đầu năm 2023, tất cả công ty bảo hiểm đều chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán cho năm tài chính 2022. Do đó, các nhà thầu kiến nghị điều chỉnh tiêu chí này với số liệu đánh giá trong 3 năm 2019, 2020, 2021.

Với yêu cầu về tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc bình quân trong vòng 3 năm 2020, 2021, 2022 (trong trường hợp liên danh, thì từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu này 10%), theo phân tích của các nhà thầu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như biến động chính trị kinh tế toàn cầu, trong 03 năm gần đây, để duy trì được mức độ tăng trưởng bình quân 10% là rất khó và rất ít doanh nghiệp có thể đạt được. Do đó, nhà thầu kiến nghị điều chỉnh tiêu chí này với mức độ 5%.

Ngoài ra, theo Tổng công ty Bảo hiểm PVI, về yêu cầu “Tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc từng năm 2020, 2021, 2022 của doanh nghiệp bảo hiểm phải đạt > 50%”, đối chiếu quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được giữ lại không quá 10% vốn chủ sở hữu, vì vậy tiêu chí này là không có căn cứ pháp lý. Tiêu chí này đã trực tiếp loại bỏ hàng loạt doanh nghiệp nằm trong Top 5 trên thị trường bảo hiểm tại Việt Nam như: Tổng công ty CP Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex…

Ngày 6/1/2023, Bên mời thầu phê duyệt quyết định điều chỉnh HSMT và gia hạn thời gian phát hành HSMT từ 10h ngày 10/1 sang 17h30 ngày 11/1/2023. Tuy nhiên, nhiều đề nghị của nhà thầu nêu trên đều không được xét xem và sửa đổi. Kết quả, Gói thầu bị hủy do không có nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu của HSMT.

Chuyên đề