Lăng kính đấu thầu ngày 13/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát cho thấy, một số kết quả lựa chọn nhà thầu mặc dù đã được phê duyệt cách đây hơn 1 năm, song đến thời điểm hiện tại mới được công khai, không bảo đảm tuân thủ quy định về thời hạn công bố thông tin trong đấu thầu. Bên cạnh đó, hồ sơ mời thầu một gói thầu mua sắm hàng hóa tại Quảng Trị bị phản ánh có tiêu chí gây khó cho nhà thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Không tuân thủ thời hạn công bố thông tin trong đấu thầu

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu xây lắp giao thông trên địa bàn, gồm: Gói thầu số 1 thuộc Dự án Đường giao thông phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nghệ An, tuyến từ trung tâm huyện Nghĩa Đàn nối đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1 và Gói thầu số 1 thuộc Dự án Đường cứu hộ vùng lũ, đảm bảo an ninh quốc phòng các xã từ Nghĩa Lâm đến Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn. Theo đó, nhà thầu trúng cả 2 gói thầu là Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Việt, giá trúng thầu lần lượt là 43,875 tỷ đồng và 50,502 tỷ đồng. Kết quả lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu trên được phê duyệt từ tháng 6/2022, với thời gian thực hiện hợp đồng 6 tháng.

Hơn 7 tháng kể từ thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (tháng 5/2022), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 03 Xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu thủy văn xã Bằng Cả, TP. Hạ Long. Nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Xây dựng Đồng Tiến, với giá trúng thầu 12,224 tỷ đồng. Hợp đồng được thực hiện trong 119 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Ngày 1/12/2022, UBND xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 03 Thi công xây dựng thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường từ Quốc lộ 217B đi Tỉnh lộ 522B tránh khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long. Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt từ tháng 9/2022, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thanh Hóa một mình tham dự và trúng thầu với giá 17,186 tỷ đồng.

Tranh cãi tiêu chuẩn đánh giá tính hợp lệ hàng hóa

Gói thầu Mua sắm thiết bị Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 năm 2021 sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đã ghi nhận một số quan điểm trái chiều của nhà thầu xoay quanh yêu cầu về các dạng tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa dự thầu.

Theo phản ánh, hàng hóa của Gói thầu chủ yếu là hàng hóa phổ biến trên thị trường, rất nhiều nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất có thể tham gia chào thầu. Tuy nhiên, HSMT yêu cầu quá nhiều dạng giấy tờ, tài liệu đánh giá tính hợp lệ của hàng hóa dự thầu, có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh như: yêu cầu nhà thầu phải cung cấp kết quả kiểm định để chứng minh đối với các hàng hóa có nguyên vật liệu yêu cầu kiểm nghiệm (bàn chế biến thức ăn sử dụng gỗ đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn TCVN 8575:2010...); tài liệu của nhà sản xuất/hãng sản xuất chứng minh chất lượng hàng hoá chào thầu đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa có yêu cầu như ISO 9001:2015, ISO 14001: 2015, QCVN12-3:2011/BYT, ISO 17025:2017, ISO 45001:2018, ISO/IEC 27001:2013...; cam kết hỗ trợ kỹ thuật của nhà sản xuất hoặc ủy quyền của nhà sản xuất về dịch vụ sau bán hàng đối với sản phẩm đàn phím điện tử, kính hiển vi, máy vi tính.

Theo lý giải của Bên mời thầu, hàng hóa cần cung cấp đều là thiết bị dạy học, do đó cần đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, danh mục hàng hóa gồm nhiều chủng loại, nhiều chi tiết, một nhà thầu không thể tự sản xuất tất cả các thiết bị để dự thầu, do đó việc yêu cầu cam kết về hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ sau bán hàng của nhà sản xuất (hãng sản xuất) hoặc của đại diện nhà sản xuất (hãng sản xuất) tại Việt Nam đối với các sản phẩm không do nhà thầu sản xuất là phù hợp với quy định.

Kết quả, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Tràng An, với giá trúng thầu 10,263 tỷ đồng.

Chuyên đề