Làm rõ nguyên nhân chậm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 26/9/2022, Chính phủ tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong bối cảnh kết quả giải ngân 9 tháng của nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Chính phủ cũng xác định "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" trong chỉ đạo, điều hành; trong đó, "2 đẩy mạnh" là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.

Ngay từ đầu năm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa được cải thiện nhiều, nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; mặt khác, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là vấn đề kéo dài nhiều năm. Do đó, Chính phủ tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến để đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%); tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 9 tháng năm 2021.

Có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Ngân hàng Chính sách xã hội (88,5%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,2%), Quảng Ngãi (112,7%), Hưng Yên (89,3%), Thái Bình (83,6%), Quảng Ninh (78%), Ninh Bình (77,6%), Tây Ninh (77,4%), Thái Nguyên (76%), Bắc Giang (74,7%), Bà Rịa - Vũng Tàu (72,4%), Tiền Giang (71,6%).

Tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.

Trong bối cảnh nguồn vốn cho các dự án đã có, Thủ tướng yêu cầu làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương… Đồng thời, đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Chuyên đề