Lãi vay ODA cao hơn, đừng sử dụng như “của cho không”

(BĐT) - ODA thực chất là nợ quốc gia, và nếu không quản lý, sử dụng hiệu quả, món nợ này sẽ là gánh nặng trong tương lai. Nhiều quy định mới về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án ODA sẽ có hiệu lực từ 1/11 tới, được Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ góp phần sử dụng hiệu quả hơn, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.
Lãi vay ODA cao hơn, đừng sử dụng như “của cho không”

Lãi suất vay ODA sẽ tăng gấp đôi, gấp ba

Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 – 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 4,9 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần so cùng kỳ năm 2015. Tổng giá trị giải ngân đạt 2,68 tỷ USD, bằng 81,4% mức giải ngân cùng kỳ năm 2015.

Theo ông Hoàng Hải, trong bối cảnh Việt Nam bước vào ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn. Việt Nam bắt đầu phải tiếp cận các với các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7 - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011 - 2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

Về công tác trả nợ, ông Hoàng Hải cho biết, lũy kế đến 25/9/2016, tổng giá trị chi trả nợ là 176.827 tỷ đồng (trả nợ trong nước là 140.183 tỷ đồng, nước ngoài là 36.644 tỷ đồng). Việc vay và trả nợ năm nay vẫn theo đúng kế hoạch vay trả nợ năm đã được phê duyệt, 9 tháng vừa qua đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong nước là 8.000 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 9.900 tỷ đồng, vẫn trong hạn mức được Chính phủ phê duyệt. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn, việc vay nợ và trả nợ vẫn theo đúng giới hạn và các quy định hiện hành.

Sử dụng vốn ODA có chiến lược và cẩn trọng

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, dự án thông thường không được phép sử dụng vốn ODA để mua ô tô, trừ trường hợp cần thiết, như xe chuyên dụng trong y tế phục vụ phòng chống dịch, vì ODA là vốn vay, sử dụng cho đầu tư phát triển không phải để mua sắm.
Ông Hoàng Hải nhấn mạnh, cần nhìn nhận đúng nguồn vốn ODA thực chất là nợ quốc gia. Đối với Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Việt Nam hiện đã là một quốc gia thu nhập trung bình, mối quan hệ đối tác và các nguồn tài trợ đang thay đổi. Nguồn vốn ODA cần được sử dụng một cách chiến lược hơn và cẩn trọng hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế và huy động các nguồn vốn tư nhân bổ sung cho các nguồn lực công.

Trong đó, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề nâng cao công tác quản lý nguồn vốn vay, đặc biệt là quản lý tài chính nguồn vốn ODA và vay ưu đãi để phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài và đảm bảo mục tiêu vay nợ bền vững là nhu cầu bức thiết của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Việc quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án ODA từ tháng 11 tới sẽ áp dụng theo Thông tư 111/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Theo Bộ Tài chính, việc quy định rõ về quy trình xác định cơ chế tài chính, cơ chế giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, quy trình hạch toán ngân sách mới sẽ tạo điều kiện cho các Bộ, ngành địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc tăng cường công tác quản lý tài chính, thúc đẩy tăng tỷ lệ giải ngân của các Bộ, ngành, địa phương đối với các chương trình, dự án ODA từ đó nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn tới.

Một trong những nội dung đáng chú ý là báo cáo tài chính năm của chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập theo quy định tại Thông tư này và theo thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã có trong thông báo kế hoạch kiểm toán hằng năm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và được nhà tài trợ chấp thuận thì báo cáo tài chính năm đó không bắt buộc phải kiểm toán độc lập.

Chuyên đề