Lãi suất tín dụng “dọa” kéo thị trường BĐS về năm 2009?

Đánh giá về xu hướng mặt bằng lãi suất trong năm 2017, nhiều chuyên gia khẳng định áp lực tăng đang nhen nhóm xuất hiện. Nếu làm không khéo, nguy cơ lãi suất tăng thêm 2,5% là có thể xảy ra.
Các chuyên gia lo ngại, mặt bằng lãi suất đang chịu áp lực tăng trong năm 2017. Ảnh Internet
Các chuyên gia lo ngại, mặt bằng lãi suất đang chịu áp lực tăng trong năm 2017. Ảnh Internet

Cuối quý I/2017, nhiều ý kiến cho rằng thị trường BĐS đã bắt đầu có những lo ngại về đường đi của lãi suất trong năm. Ngay tại buổi họp báo tổ chức mới đây, ông Đặng Văn Quang – Giám đốc quản lý tài sản và BĐS của Jones Lang Lasalle Việt Nam cũng nhận định mặt bằng lãi suất có thể tăng do yếu tố khách quan và nội tại.

Ông Quang cho rằng: “Lãi suất ngân hàng đang có chiều hướng tăng khi một số ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên 9,2%. Lãi suất trung hạn có xu hướng kéo theo lãi suất ngắn hạn đi lên. Việc tăng lãi suất do áp lực của Thông tư 06 và do Cục dữ trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.

Theo giả định của tôi, nếu không kiểm soát tốt, mặt bằng lãi suất có thể sẽ tăng thêm 2,5% so với mức lãi suất hiện nay. Chi phí vốn tăng, CPI tăng theo, BĐS không thanh khoản được đồng nghĩa rằng thị trường BĐS sẽ đi xuống. Còn quá sớm để đánh giá mức độ khủng hoảng của thị trường BĐS có như năm 2009 hay không. Nhưng chắc chắn rằng khi lãi suất tăng, người dân có xu hướng giữ tiền trong ngân hàng. Trong khi đó, giá thành BĐS tăng, thị trường kém thanh khoản”.

Tại một buổi giao lưu trực tuyến hồi cuối tháng 3, TS. Cấn Văn Lực khẳng định rằng, áp lực tăng lãi suất là có trong năm 2017. Tuy nhiên nếu quyết liệt và khéo điều hành thì mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giữ được như hiện tại.

Phương án ông Lực đưa ra để giữ mặt bằng lãi suất là đẩy nhanh và mạnh quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và tiến trình xử lý nợ xấu. Đồng thời cần tìm biện pháp tăng cường huy động vốn từ dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh và cần theo dõi chặt chẽ biến cố bên trong, bên ngoài để có ứng phó kịp thời. Biện pháp mềm cuối cùng là biện pháp tâm lý.

Đánh giá thận trọng hơn, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI) cho rằng để dự báo lãi suất thì phải tìm các ảnh hưởng đến lãi suất như lạm phát, tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, giả định mặt bằng lãi suất bị đẩy lên, với ngành ngân hàng nhìn chung sẽ có lợi. Con số thống kê cho thấy trong 11 tuần sau khi ông D.Trump thắng cử tổng thống Mỹ, kỳ vọng lãi suất tăng nhanh, dòng tiền vào các quỹ đầu tư ngành tài chính ngân hàng tăng, khoảng 14,5 tỷ USD. Ngược lại, ngành BĐS bị rút khoảng 6,1 tỷ USD tại Mỹ.

Tại Việt Nam, việc lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay tăng. Giả định lãi suất tăng thì tác động tới ngành BĐS rõ nhất, đây là ngành tỷ lệ nợ vay nhiều, lãi suất tăng sẽ khiến chi phí vay tăng lên, ảnh hưởng đến nhu cầu của người mua nhà.

“Theo thống kê của tôi, dư nợ ngành BĐS trên sàn chứng khoán lớn nhất thị trường. Dài hạn vào khoảng 83,8 nghìn tỷ đồng, ngắn hạn 29 nghìn tỷ đồng. Tổng số dư nợ toàn ngành khoảng 113 nghìn đồng.

Ngoài ra, lãi suất tăng sẽ khiến các doanh nghiệp vay nợ chịu nhiều ảnh hưởng, khi phân tích thì có yếu tố chuyển giá cho người mua và tăng lợi nhuận”, ông Linh nói.

CPI Việt Nam tháng 2/2017 tăng 0,2% so với tháng trước và 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận lần lượt ở nhóm ngành nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng trưởng là 0,77% và giao thông tăng 0,56% so với tháng trước. Trong khi đó, một số nhóm ngành khác ghi nhận mức giảm nhẹ, nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm may mặc giảm lần lượt 0,01% và 0,05% so với tháng trước. Nhóm ngành giáo dục duy trì ở mức ổn định so với tháng 1. Nhìn chung, CPI bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu ăn uống tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán và hai lần điều chỉnh tăng giá nhiên liệu. 

Chuyên đề