Cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Vinaplast vẫn còn hơn 100 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang |
Qua khảo sát cho thấy, kết quả kinh doanh năm qua của doanh nghiệp (DN) này có cải thiện, công bố thông tin khá đầy đủ. Tuy nhiên, gói thầu chiếm giá trị lớn trong quá khứ đang là nỗi ám ảnh đối với nhà đầu tư và khiến khó khăn của Công ty không dễ dàng giải quyết.
Lĩnh đủ vì nhà thầu Trung Quốc
Nhà đầu tư nêu dẫn chứng việc Vinaplast được vay vốn ODA để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng lại mua phải thiết bị Trung Quốc kém chất lượng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nguồn tin từ công ty này cho biết: “Đó là chuyện của hơn 10 năm trước, nhưng đến nay những tồn đọng đó chưa được giải quyết hết. Hiện có một số máy móc được mua từ nguồn vốn này đang được Vinaplast dùng, cho thuê và một số “đắp chiếu”… Đây là khoản đầu tư không hiệu quả và hậu quả kéo tới bây giờ”.
Khảo sát cơ sở dữ liệu về đấu thầu cho thấy, kể từ năm 2014 đến nay, Vinaplast chỉ thực hiện lựa chọn nhà thầu duy nhất Gói thầu Mua sắm nguyên vật liệu sản xuất - Hạt nhựa sinh học. Gói thầu này sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, có thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ tháng 9/2014. Tuy nhiên thông tin cụ thể về gói thầu này cũng không được công bố một cách chi tiết, minh bạch.
Chia sẻ về lý do số lượng gói thầu ít ỏi tại Vinaplast, một nguồn tin cho hay, đó là do trong thời gian qua, nguồn vốn của Vinaplast không dư dả, kết quả kinh doanh không được khả quan như trước nên Công ty đã chuyển hướng kinh doanh mới. Theo vị cán bộ này, hiện Công ty chủ yếu sản xuất két bia cho Nhà máy Bia Quy Nhơn, liên kết với các công ty con thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Lãi không đủ bù đắp lỗ lũy kế
Theo phản ánh của nhà đầu tư, cách đây 10 năm, Vinaplast đã tiến hành cổ phần hóa, Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 66% vốn điều lệ. Khi ấy, Vinaplast cũng là một thương hiệu lớn của ngành nhựa, chiếm thị phần lớn trong thị trường Việt Nam. Công ty sở hữu nhiều thế mạnh so với các đồng nghiệp khác trong ngành. Tuy nhiên, DN lại làm ăn lụn bại so với các DN cùng ngành.
Trên thực tế, theo Báo cáo tài chính quý IV/2016 vừa được DN này công bố, năm 2016, Công ty đạt doanh thu 237,574 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 448,362 tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết lại tăng thêm 135%, lên 35,265 tỷ đồng và chi phí quản lý DN giảm từ 18,889 tỷ đồng xuống âm 2,787 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng nợ phải thu (thu hồi được tới 39,749 tỷ đồng nợ xấu). Cả năm lợi nhuận trước thuế và sau thuế đã tăng 63% tương ứng tăng từ 33,824 tỷ đồng lên 33,601 tỷ đồng.
Các khoản lãi năm 2016 của Vinaplast vẫn chưa bù đắp đủ khoản lỗ lũy kế cho các năm 2012, 2013 và 2014. Cuối năm 2016, lỗ lũy kế vẫn còn hơn 100 tỷ đồng.
Vinaplast là DN chuyên xuất khẩu, nhập khẩu và kinh doanh ủy thác nguyên liệu hóa chất, thiết bị chuyên ngành nhựa và vật tư cho các ngành khác từ các nước trong khu vực và thế giới. Các sản phẩm chính của Công ty là bao bì, phụ tùng, linh kiện bằng nhựa cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp.