Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm |
Chỉ dẫn lòng vòng, sai địa chỉ...
Thông thường, tại các bảng chỉ dẫn cho nhà thầu trong HSMT, toàn bộ thông tin, địa chỉ, số điện thoại, thậm chí là tên người được giao từng đầu việc sẽ được công khai để thuận lợi cho các nhà thầu quan tâm đến gói thầu. Bắt đầu từ việc xác định tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax… của bên mời thầu, chủ đầu tư. Tiếp theo, là địa chỉ, số điện thoại, số fax của người có thẩm quyền. Thông tin quan trọng nữa là địa chỉ, số điện thoại, số fax của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát đấu thầu. Cuối cùng là địa chỉ, số điện thoại, số fax của bộ phận thường trực giúp việc hội đồng tư vấn đấu thầu.
Như vậy, với chỉ dẫn như trên, các nhà thầu đã có những hướng dẫn cơ bản nhất để có thể thực hiện các bước như nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), làm rõ HSMT/HSDT, kiến nghị trong đấu thầu...
Tuy nhiên, ngay từ phía lập HSMT, nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) chỉ dẫn sai và nhầm lẫn vai trò các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu, các cơ quan giám sát…
Điển hình nhất của các chỉ dẫn này là… dồn về một mối. Như các gói thầu do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hoàng An ở Quảng Nam phát hành, tất cả các chỉ dẫn đều gom chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát lẫn bộ phận thường trực giúp việc hội đồng tư vấn về một đơn vị. Như vậy, hiểu nôm na, các gói thầu này, chủ đầu tư vừa đá bóng vừa thổi còi, tự giám sát chính mình.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện tượng này phổ biến nhất ở các HSMT do đơn vị tư vấn đấu thầu lập và gặp không ít tại các ban quản lý dự án (QLDA) chuyên nghiệp. Lý giải cho hiện tượng này, một số đơn vị tư vấn thành thật chia sẻ là “đúng là không biết phân cấp như thế nào cả”, một số ban QLDA thì đinh ninh “do anh em máy móc, không sâu sát nên để xảy ra lỗi”.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ, không có nhiều kinh nghiệm đấu thầu đã khóc dở, mếu dở cầm trên tay các bộ HSMT với chỉ dẫn… tù mù như trên. “Muốn kiến nghị về việc đấu thầu, đúng là nhà thầu không biết bắt đầu từ đâu”, một nhà thầu chia sẻ.
Không có cơ quan theo dõi, giám sát (!)
Một hiện tượng rất đáng lưu ý trong các chỉ dẫn nhà thầu hiện nay là một số BMT/CĐT gần như bỏ lơ nội dung về tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát cũng như hội đồng tư vấn đấu thầu. Ngoài việc “bắt” chủ đầu tư kiêm các vai trò theo dõi, giám sát nói trên, rất nhiều BMT mạnh dạn chỉ dẫn… không có cơ quan theo dõi, giám sát, không có hội đồng tư vấn.
Đặc biệt là các gói thầu mà BMT/CĐT thuộc đơn vị ngành dọc. Cụ thể như không ít đơn vị thuộc hệ thống như kho bạc nhà nước, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan, viện kiểm sát, tòa án…, trong HSMT không có chỉ dẫn chuẩn mực cho nhà thầu đã khiến kiến nghị của nhà thầu đi vào ngõ cụt. Bởi bản thân các BMT/CĐT này khi mời thầu phải xác định được tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát và cũng như hội đồng tư vấn đấu thầu chứ không phải nhà thầu tự phán đoán, mò mẫm.
Đây chính là căn nguyên của rất nhiều lá đơn kiến nghị của nhà thầu khi dự các gói thầu những lĩnh vực trên… đi sai địa chỉ, vượt cấp và không được xử lý triệt để.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số sở Kế hoạch và Đầu tư đã bày tỏ thêm, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương thường xuyên nhận được những kiến nghị này. Sở thường chuyển đơn cho cơ quan chủ quản của chủ đầu tư bị kiến nghị.
Trong khi đó, các chuyên gia đấu thầu khẳng định, chính chỉ dẫn nhà thầu không rõ ràng, thiếu thông tin, hoặc tệ hơn là thông tin sai lệch làm méo mó công tác đấu thầu. “Rõ ràng, nhận thức về quá trình tổ chức đấu thầu đang bị nhiều đơn vị coi nhẹ, ngay từ khâu chỉ dẫn nhà thầu. Phát hành HSMT mà chỉ dẫn không đúng, không chỉ rõ đâu là chủ đầu tư, người có thẩm quyền, đâu là cơ quan giám sát, đâu là hội đồng tư vấn thì vô cùng tệ hại. HSMT phải trải qua khâu trình, thẩm định, phê duyệt, từng bước đều có bộ phận chuyên môn mà vẫn để lọt những chệch choạc, thực trạng này cho thấy cách làm việc thiếu trách nhiệm, sơ sài”, một chuyên gia bình luận.