Kỳ vọng thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 (NQ 68) về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thiết thực cho người lao động, người sử dụng lao động trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, sức chịu đựng đã tới hạn. Theo một số ý kiến, chính sách đã được thiết kế tốt, việc thực hiện cần kịp thời, nếu chậm trễ thì có thể sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Doanh nghiệp, người dân kỳ vọng sớm tiếp nhận được hỗ trợ, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp, người dân kỳ vọng sớm tiếp nhận được hỗ trợ, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm. Ảnh: Lê Tiên

Đơn giản tối đa thủ tục

Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (QĐ 23) quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động theo NQ 68. Tại cuộc họp báo vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, với QĐ 23, đối tượng được hỗ trợ, quy trình, thủ tục, hồ sơ được hướng dẫn chi tiết trên tinh thần đơn giản hóa tối đa các thủ tục, thông thoáng nhất để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận dễ dàng nhưng vẫn đúng luật.

Ví dụ chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mặc dù mức đóng là 0% nhưng người lao động vẫn được bảo đảm quyền lợi như khi đóng theo mức thông thường. Chính sách không phát sinh thủ tục hành chính mới. Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP.

Các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cũng được đơn giản hóa tối đa. Thời hạn giải quyết thủ tục và giải ngân tối đa là 7 ngày, hồ sơ được cắt giảm chỉ có giấy đề nghị, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình. Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên. Đặc biệt, vay vốn trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, giúp người sử dụng lao động có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo quy định tại quyết định này là nguồn vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trường hợp giải ngân hết 7.500 tỷ đồng, Bộ LĐ-TBXH sẽ báo cáo Thủ tướng để cấp vốn giải ngân tiếp.

Không triển khai nhanh sẽ mất ý nghĩa

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau QĐ 23 sẽ không cần bất cứ hướng dẫn nào khác, tất cả hướng dẫn triển khai đều đã được xây dựng hết sức cụ thể, chi tiết. Quy định mới phân cấp, phân quyền rất rõ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đó là chủ tịch UBND các chính quyền địa phương. Đối với lao động tự do - đối tượng bị tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19, Chính phủ chỉ đưa mức sàn, mức hỗ trợ cụ thể sẽ do địa phương quyết định căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương.

Doanh nghiệp, người dân đang kỳ vọng sớm tiếp nhận được hỗ trợ, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động. Từ đó góp phần duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, chính sách hỗ trợ ban hành kịp thời, nhân văn, mục tiêu chính là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đối tượng rộng, bình đẳng, không phân biệt khu vực chính thức và không chính thức. Thủ tục, quy trình thực hiện có thể coi là đột phá.

Theo ông Nam, chính sách được thiết kế rất tốt, nhưng hiệu quả còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức thực hiện. Cần tổ chức thực thi nhanh nhất, để hỗ trợ được đối tượng thụ hưởng kịp thời, nếu để qua mất thời điểm sẽ giảm đi giá trị thiết thực, không còn nhiều ý nghĩa. Đối với cơ quan, cá nhân đóng vai trò thực thi, nếu vì ngại trách nhiệm, quan liêu mà không thực hiện, chậm trễ thực hiện, thì phải có chế tài mạnh.

“Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu rất tốt góp ý của các bên liên quan, trong đó có những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, tôi có một chút tiếc là hạn mức cho vay trả lương không quy định một mức cụ thể, mà quy định mức tối đa, có thể một số tình huống sẽ tăng áp lực, trách nhiệm giải trình đối với người tổ chức thực hiện khi quyết định mức cho vay là bao nhiêu. Nếu đưa ra mức cụ thể thì người thực hiện chỉ cần tập trung hành động, triển khai ngay”, ông Tô Hoài Nam chia sẻ và hy vọng đây chỉ là sự “quá lo lắng”, các chính sách hỗ trợ sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa.

Chuyên đề