Ngay sau lễ ký chính thức hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiều 8/3 tại thủ đô Santiago của Chile, đại diện 11 nước tham gia ký kết đã tham dự buổi họp báo thông tin về kết quả ký kết cũng như hướng đi trong tương lai sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực.
Khai mạc họp báo, Ngoại trưởng Chile Healdo Muños khẳng định CPTPP được ký kết đã phát đi một tín hiệu vào thời điểm rất phù hợp bởi vì tất cả đều nhận thức được những áp lực của chủ nghĩa bảo hộ có thể dẫn đến điều không ai mong muốn, đó là một cuộc chiến tranh thương mại.
Bộ trưởng Muños cho biết các nước tham gia ký kết CPTPP hy vọng tiến bộ và tăng trưởng kinh tế sẽ đến với tất cả, đồng thời là tín hiệu mạnh mẽ đối với những áp lực bảo hộ vì một nền thương mại thế giới mở, không có trừng phạt đơn phương và cũng không có đe dọa về chiến tranh thương mại.
Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi đánh giá, bất chấp những thách thức đa dạng và khó khăn, CPTPP là một thành tựu lịch sử giúp tạo ra những quy tắc tự do và công bằng trong thế kỷ 21 ở châu Á-Thái Bình Dương.
Về khả năng Mỹ có thể quay trở lại hiệp định, ông Motegi bày tỏ sẵn sàng mở cửa đón chào bởi CPTPP không phải một thỏa thuận chống một nước nào đó, đồng thời khẳng định không chỉ có Mỹ mà bất cứ nước nào muốn đều có thể tham gia, nếu chấp nhận những điều khoản cam kết của hiệp định. Ông cũng cho rằng sức mạnh của CPTPP sẽ trở thành công cụ tiếp sức cho thương mại quốc tế, giúp thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và giảm thiểu đói nghèo.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne khẳng định rất tự hào vì đã chứng minh được cho thế giới thấy rằng thương mại tiến bộ chính là con đường lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
Trước đó cùng ngày, lễ ký kết CPTPP đã diễn ra tại Santiago, với sự tham gia của đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng này được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) về cơ bản vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc và chỉ tạm hoãn thực thi 20 điều khoản nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.