Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thông qua 2 luật và một số nghị quyết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 22/6/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 21 của Kỳ họp thứ 5 với các phiên họp toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết
Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 477 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,56% tổng số ĐBQH), trong đó có 468 đại biểu tán thành (bằng 94,74% tổng số ĐBQH), có 4 đại biểu không tán thành (bằng 0,81% tổng số ĐBQH), có 5 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,01% tổng số ĐBQH).

Tiếp theo, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 482 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,57% tổng số ĐBQH), trong đó có 476 đại biểu tán thành (bằng 96,36% tổng số ĐBQH), có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,01% tổng số ĐBQH), có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).

Tiếp sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 21 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương của Đảng nhằm xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông và các dịch vụ viễn thông, mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội hàm của các hoạt động viễn thông, đặc biệt là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực mới như dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, OTT, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây; chính sách, điều kiện kinh doanh, quản lý đối với các dịch vụ mới; tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật với pháp luật có liên quan, tính tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế, khái niệm, giải thích từ ngữ "hành vi bị cấm"; quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cho cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ; sự cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông, nghiên cứu triển khai các hoạt động viễn thông; vấn đề sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, cấp giấy phép viễn thông, thẩm quyền cấp phép, thời hạn cấp phép, gia hạn giấy phép viễn thông; cơ sở, căn cứ, mục đích thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hiệu quả, nguyên tắc hoạt động, việc quản lý, sử dụng quỹ, nguồn thu, mức thu và nhiệm vụ chi của Quỹ; quản lý, sử dụng thiết kế lắp đặt công trình viễn thông, thu hồi các công trình viễn thông đã hết thời hạn sử dụng, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo mật thông tin cá nhân, trách nhiệm trong việc thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, quản lý SIM rác, thông tin thuê bao và dịch vụ thông tin khẩn cấp; quản lý nhà nước, nội dung quản lý nhà nước, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý viễn thông, hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và kỹ thuật lập pháp.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,11% tổng số ĐBQH), trong đó có 446 đại biểu tán thành (bằng 90,28% tổng số ĐBQH), có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,01% tổng số ĐBQH), có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,81% tổng số ĐBQH).

Tiếp theo, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.

Sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau:

Đối với Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”: có 470 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,14% tổng số ĐBQH), trong đó có 469 đại biểu tán thành (bằng 94,94% tổng số ĐBQH), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Đối với Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”: có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,71% tổng số ĐBQH), trong đó có 452 đại biểu tán thành (bằng 91,50% tổng số ĐBQH), có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tổng số ĐBQH), có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,81% tổng số ĐBQH).

Tiếp sau đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, kết quả như sau: có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,13% tổng số ĐBQH), trong đó có 414 đại biểu tán thành (bằng 83,81% tổng số ĐBQH), có 28 đại biểu không tán thành (bằng 5,67% tổng số ĐBQH), có 23 đại biểu không biểu quyết (bằng 4,66% tổng số ĐBQH).

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Sau khi thông qua các Luật và Nghị quyết, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: tên gọi của dự thảo Luật; đối tượng áp dụng; căn cước điện tử; nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước; quyền và nghĩa vụ về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; người được cấp thẻ căn cước; việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi; thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các chủ thể được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các thông tin trên thẻ căn cước công dân; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; giá trị sử dụng của thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước; thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước…

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ngày 23/6/2023 (thứ Sáu), buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chuyên đề