Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đề nghị làm rõ một số điểm liên quan quyền sở hữu nhà chung cư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6/2023, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Dự thảo Luật nên làm rõ một số điểm liên quan đến quyền sở hữu nhà chung cư, tránh việc không đảm bảo công bằng cho người mua nhà.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6/2023

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6/2023

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày trước Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, Dự thảo Luật cần làm rõ thêm một số điểm cần thống nhất, trong đó có vấn để sở hữu nhà chung cư.

Đại biểu Lê Thanh Phong cho biết, theo tinh thần xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), quyền sở hữu nhà chung cư đồng nhất với thời hạn sử dụng chung cư, nghĩa là thời hạn sử dụng nhà chung cư hết thì quyền sở hữu nhà cũng hết. Điều này là không công bằng, bởi người mua nhà chung cư bản thân họ cũng phải bỏ ra một phần tiền khi chủ đầu tư đã có tính toán trong đó có giá trị đất. Luật cũng đã có quy định phần sở hữu chung, phần riêng trong nhà chung cư, trong đó có yếu tố giá trị quyền sử dụng đất.

Do đó, đại biểu Lê Thanh Phong cho rằng, nếu nói quyền sở hữu nhà chung cư không gắn với quyền sử dụng đất là không ổn, không bình đẳng với những người mua nhà chung cư.

“Trong trường hợp nhà chung cư hết hạn sử dụng nhưng người dân không có tiền đóng góp để tu bổ, hoặc xây dựng mới, khi họ rời đi thì họ vẫn còn phần quyền sử dụng đất trong tòa nhà đó. Chỗ này cần tính toán sao cho hợp lý, đảm bảo công bằng cho những người mua nhà chung cư - thường là những người yếu thế, người nghèo”, đại biểu Lê Thanh Phong nêu quan điểm.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn ĐBQH Tiền Giang) nhấn mạnh, chung cư chính là lời giải cho nhu cầu nhà ở tại đô thị lớn. Vì thế, Luật này có tác động rất lớn nên cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, người dân sở hữu chung cư cần đảm bảo 2 quyền là sở hữu và sử dụng.

Nhìn vào quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư như Dự thảo Luật nêu, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, quy định này đang gây khó khăn và khó hiểu, gây tâm lý lo lắng cho người mua khi không biết thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế đó là 50 năm, 70 năm hay 90 năm.

“Cụ thể, Khoản 1 Điều 60 Dự thảo Luật quy định: Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là tuổi thọ công trình). Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định thiết kế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng là thiếu sự rõ ràng”, đại biểu Nguyễn Văn Dương nêu.

Với quy định trong Dự thảo trên, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn ĐBQH Thái Bình) cho rằng, như vậy, Dự thảo chỉ quy định một hình thức sở hữu nhà chung cư theo kết quả kiểm định của cơ quan có thẩm quyền là chưa hợp lý. Theo đó, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, Dự thảo nên bổ sung ít nhất 3 hình thức sở hữu chung cư khác.

Các hình thức sở hữu nhà chung cư được đại biểu Phan Đức Hiếu gợi ý bao gồm: Hình thức sở hữu không xác định thời hạn; hình thức xác định thời hạn theo thời hạn sử dụng đất; người mua và người bán có thể thỏa thuận thời hạn sử dụng.

“Như vậy, cùng một lúc chúng ta quy định nhiều hình thức sở hữu nhà chung cư”, ông Hiếu gợi ý và cho rằng, để được điều này, Dự thảo Luật cần bổ sung, gia cố rất nhiều các điều khoản khác để bổ sung.

Góp ý với việc Dự thảo Luật có quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, Dự thảo Luật đặt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh là có mục tiêu tốt nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.

Tuy vậy, ông Hiếu mong Ban Soạn thảo Luật cần phân tích, làm rõ cơ sở pháp lý, giá trị pháp lý và hiệu lực pháp lý để tránh những tác động không mong muốn. Lý do là, quan sát thực tế, nếu những chương trình, kế hoạch này nếu không được sử dụng đúng mục tiêu có thể lại trở thành rào cản đối với sự phát triển.

Còn đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, Dự thảo Luật quy định như vậy là không cần thiết, bởi việc phát triển nhà ở cần căn cứ vào quy hoạch chung của tỉnh đảm bảo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng.

Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, UBND các tỉnh/thành phố chỉ cần lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà cho người thu nhập thấp… Đây là những loại dự án phục vụ cho đối tượng Nhà nước phải hỗ trợ, phải có chính sách cụ thể thì họ mới có cơ hội có được nhà ở.

“Vì thế, cơ quan địa phương cần có kế hoạch tập trung giải quyết nhà ở cho đối tượng này hơn là kế hoạch tổng thể phát triển nhà ở trên địa bàn của mình”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị.

Một số đại biểu cũng bày tỏ quan điểm là nên tích hợp quy hoạch xây dựng nhà ở vào quy hoạch đô thị, nông thôn để tránh lãng phí chi phí, chồng chéo giữa các quy hoạch giữa các quy hoạch trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh quy định tại Dự thảo Luật.

Chuyên đề