Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Sẽ thông qua 13 dự án luật quan trọng

(BĐT) - Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 22/5 sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Ảnh: Lê Tiên
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Ảnh: Lê Tiên

Theo thông lệ, tại kỳ họp đầu năm Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua Kỳ này gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Thông tin tại buổi họp báo vừa diễn ra (chiều 19/5), đồng chí Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm VPQH cho biết, một trong những điểm mới khác trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này là Luật được thiết kế theo luật khung, đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, bỏ các quy định liên quan có thể dẫn tới mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác. Vì vậy, dự thảo Luật trình trình Quốc hội thông qua lần này đã rút gọn chỉ còn 4 chương, 36 điều (giảm 3 chương và 9 điều so với dự thảo đã được cho ý kiến).

Các nội dung khác cũng đã được tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý trong dự thảo Luật và tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội gồm: bổ sung quy định DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn nhà nước không được áp dụng hỗ trợ về mặt bằng sản xuất (Điều 11); tiêu chí xác định DNNVV (Điều 4) cũng được chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV; các nội dung hỗ trợ  như hỗ trợ  tiếp cận tín dụng (Điều 8), hỗ trợ thuế, kế toán (Điều 10), hỗ trợ mặt bằng sản xuất (Điều 11), hỗ trợ mở rộng thị trường (Điều 13), hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (Điều 17), quy định trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ DVNVV (Chương III), quy định trách nhiệm chung của các hiệp hội ngành nghề, quy định ưu tiên hỗ trợ đối với DNNVV do nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ (khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật); quy định về kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động các Quỹ.

Đối với Luật Quy hoạch, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 7 chương 69 điều, quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về giải thích từ ngữ; về hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn; về phương pháp tích hợp và quy trình phối hợp trong lập quy hoạch; về các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành của Luật.

Liên quan đến Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Nhằm tạo sự tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ, đầy đủ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bổ sung nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 136 điều.

Những vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội gồm: tên gọi của Luật; khái niệm tài sản công; phân loại tài sản công; nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản; các hành vi bị cấm; sử dụng tài sản tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật; thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; công khai tài sản công; đối tượng áp dụng; xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai; chế độ quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp... cũng đã được Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhất trí tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung đưa vào Luật và trình Quốc hội cho ý kiến.

Quốc hội sẽ làm việc trong 22,5 ngày (không kể ngày nghỉ) và Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21/6/2017.

Chuyên đề