Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022. (Ảnh: TTXVN) |
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong tháng 7, bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu như xung đột Nga - Ukraine; lạm phát tăng cao; nhiều nền kinh tế lớn thực hiện điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô và biên độ lớn; kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế lớn có nguy cơ suy thoái; giá cả thế giới một số hàng hóa có dấu hiệu hạ nhiệt như giá xăng dầu, một số nông sản quan trọng nhưng vẫn ở mức cao.
Ở trong nước, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn bủa vây của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện nước, học phí, giá sách giáo khoa, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý… Nhờ đó, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững; lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra; áp lực chi phí đầu vào được giảm đáng kể; hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống người dân.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, 5 cân đối lớn được bảo đảm (thu - chi, xuất - nhập khẩu, lương thực - thực phẩm, năng lượng, lao động)… Hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng tăng 16% so với cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần cùng kỳ các năm 2018 - 2019 khi chưa xảy ra dịch bệnh; nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 11,9%... Du lịch đang tận dụng cơ hội để phục hồi sau đại dịch, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 tiếp tục tăng nhanh; tính chung 7 tháng đạt trên 950 nghìn lượt, gấp 10 lần cùng kỳ năm 2021.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất khả quan. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 7 tháng đầu năm lần đầu đạt trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bộ KH&ĐT nhận định đây được coi là động lực phục hồi tăng trưởng quan trọng cho cả năm 2022 và các năm tiếp theo.
Thách thức nhiều hơn cơ hội
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối diện áp lực và nguy cơ lạm phát, vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển còn hạn chế…
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan thẳng thắn chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nhận định khách quan về kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, phân tích kỹ lưỡng, mổ xẻ đầy đủ, sát thực để làm rõ những khó khăn, thách thức; bài học kinh nghiệm; đánh giá, dự báo, phân tích tình hình thời gian tới trên cơ sở xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.
Thủ tướng nhấn mạnh tập trung vào một số nội dung thảo luận, gồm 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không.
Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.
Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân; đẩy mạnh quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công.
Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.
Một kiên quyết không là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chắc chắn.