Kinh tế Đông Nam Bộ kỳ vọng bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế vùng Đông Nam Bộ năm 2022 phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, lội ngược dòng với tốc độ tăng trưởng cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trung bình 9,31%, giữ vững vị trí chiến lược “đầu tàu” của cả nước. Bất chấp những dự báo ảm đạm về triển vọng kinh tế thế giới, vốn đầu tư vẫn chảy mạnh vào Đông Nam Bộ. Song điểm trừ đáng tiếc nhất là khê đọng vốn đầu tư công.
Mức tăng trưởng cao của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ có sự đóng góp quan trọng từ hoạt động đầu tư. Ảnh: Nhã Chi
Mức tăng trưởng cao của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ có sự đóng góp quan trọng từ hoạt động đầu tư. Ảnh: Nhã Chi

Tăng trưởng cao, hút vốn đầu tư

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của TP.HCM và 5 địa phương trong vùng cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt rất cao. Địa phương có mức tăng cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10,97%, kế đến là Tây Ninh 9,56%, Đồng Nai 9,22%, Bình Phước 9,1%, TP.HCM đạt 9,03% và Bình Dương 8,01%. Các chỉ tiêu kinh tế lớn như thu nhập bình quân đầu người, tổng thu ngân sách nhà nước, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… đều phục hồi tích cực và có mức tăng rõ nét.

Mức tăng trưởng trên có sự đóng góp quan trọng từ hoạt động đầu tư tại các tỉnh, thành. Đơn cử, dòng vốn đầu tư phát triển của tỉnh Bình Dương ước thực hiện 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm trước. Dòng vốn FDI có sự khởi sắc đáng chú ý. Tính riêng 11 tháng năm 2022, Bình Dương thu hút 3,178 tỷ USD vốn FDI, đạt 171% kế hoạch, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng dự án mới, dự án điều chỉnh tăng vốn và dự án góp vốn đều tăng cho thấy doanh nghiệp FDI đặt niềm tin vào triển vọng kinh doanh tại địa phương này. Đến nay, Bình Dương đã thu hút được 4.082 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đạt 39,7 tỷ USD.

Với Đồng Nai, năm qua, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 12,78% so với năm trước, quy mô đạt 109.045 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngoài nhà nước đạt 48.883 tỷ đồng, tăng 14,9%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 47.840 tỷ đồng, tăng 15,87%. Dù số dự án đầu tư mới chưa đạt kỳ vọng bởi cạn quỹ đất công nghiệp, nhưng Đồng Nai vẫn nằm trong những điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn đầu tư. Tính tới hết tháng 11/2022, Đồng Nai thu hút được 10 dự án đầu tư mới trong nước với tổng vốn đăng ký 1.075 tỷ đồng; 40 dự án FDI mới với tổng vốn 447,65 triệu USD. Cộng gộp dự án FDI tăng vốn, ước tổng vốn FDI của Tỉnh năm 2022 đạt gần 1,1 tỷ USD.

Dòng vốn FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng mạnh. Trong 11 tháng năm 2022, có 41 dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 710,63 triệu USD. Trong đó, cấp mới 17 dự án (278,39 triệu USD), điều chỉnh tăng vốn 24 dự án (436,7 triệu USD) và chấp thuận 13 hồ sơ góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư FDI khoảng 30,84 triệu USD. Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 447 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 30,273 tỷ USD. Với dòng vốn đầu tư trong nước, tỉnh này vừa công bố con số ấn tượng, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt hơn 23.054 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2022. Lũy kế đến nay, tổng vốn đầu tư trong nước tại Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 357.083 tỷ đồng.

Tính tới hết tháng 11/2022, khu vực Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với 8,5 tỷ USD, chiếm gần 34% tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2022. Đặc biệt, TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 3,54 tỷ USD. Hai tỉnh còn lại là Bình Phước và Tây Ninh, do đặc thù và điều kiện hạ tầng nên quy mô thu hút vốn đầu tư khiêm tốn hơn. Cụ thể, năm 2022, Bình Phước thu hút đầu tư trong nước khoảng 10.800 tỷ đồng, vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh đạt 150 triệu USD. Thu hút vốn FDI của Tây Ninh ước đạt 700 triệu USD.

Cần khai phóng nguồn lực đầu tư năm 2023

Về dư địa hấp thụ dòng vốn đầu tư năm 2023, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư một số tỉnh, thành đều chung đánh giá tươi sáng. Các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở Đông Nam Bộ bởi nhiều yếu tố như: quy mô nền kinh tế lớn, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thị trường lớn, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng đã và đang được đầu tư với nhiều dự án trọng điểm, liên vùng có tính chất “đòn bẩy” như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết; Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM… Kế đến là môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để tiếp tục thu hút và khai phóng nguồn lực đầu tư, Đông Nam Bộ cần quyết liệt gỡ nhiều điểm nghẽn. Đơn cử, tại TP.HCM, khu vực đầu tư ngoài nhà nước cần tháo gỡ vướng mắc đối với nhóm các dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất, các dự án sản xuất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất liên quan đến các vấn đề pháp lý về đất đai, nhà ở, thủ tục đầu tư, chuyển nhượng dự án; góp vốn, hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất; chia, tách, sáp nhập khi điều chỉnh dự án…

Trong thời gian tới, khả năng thu hút vốn FDI của vùng Đông Nam Bộ sẽ bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố: thiếu nguồn cung đất công nghiệp thương phẩm cục bộ (tại tỉnh Đồng Nai) và tư duy áp “bộ lọc” trong thu hút FDI thế hệ mới, trong khi chưa có quy định về tiêu chí đánh giá sự phù hợp, đặc biệt là phù hợp về công nghệ và thâm dụng lao động của dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, chưa xác định cơ quan có thẩm quyền xác định tính phù hợp cho dự án.

Điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của vùng là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, đánh mất vai trò động lực, dẫn dắt vốn đầu tư cho các khu vực khác. Năm 2022, tổng lượng vốn đầu tư công trong kế hoạch của Đông Nam Bộ khoảng 89.069 tỷ đồng. Ước tính giải ngân cả năm của TP.HCM đạt khoảng 74%; Bình Dương tới ngày 30/11 đạt 45,8%; Đồng Nai tới ngày 25/11 đạt 58%; Bà Rịa - Vũng Tàu tới 30/11 đạt 54,66%... Những con số này chưa đáp ứng yêu cầu, cho thấy có những vướng mắc mang tính chất trọng yếu. Thời gian tới, nếu điểm nghẽn này không nhanh chóng được tháo gỡ thì động lực tăng trưởng kinh tế Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Năm 2023, các địa phương Đông Nam Bộ đều đưa ra giải pháp để tạo nền tảng cho hoạt động kinh doanh, đầu tư. Trong đó, TP.HCM tập trung nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; huy động mạnh mẽ các nguồn lực tài chính, thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân với mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội tương đương 35% GRDP; đẩy mạnh đầu tư công các dự án hạ tầng trọng điểm để dẫn dắt dòng đầu tư xã hội khác.

Trong khi đó, Bình Dương dành ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước theo chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới, tạo đột phá thu hút nguồn vốn tư nhân theo phương thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt với các dự án có sức lan tỏa và tác động lớn tới phát triển kinh tế. Tỉnh Đồng Nai tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện quy hoạch Tỉnh với các hoạch định quan trọng khu vực Sân bay quốc tế Long Thành để kiến tạo không gian đầu tư mới. Ngoài ra, tỉnh này đang mở rộng quỹ đất công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư…

Mới đây, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24/NQ/TW về phát triển Đông Nam Bộ tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo đột phá mới, giá trị mới trên nền tảng tư duy mới. Một trong những điểm mới là phương thức huy động các nguồn lực bằng cơ chế chính sách đột phá, bám sát thực tiễn, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Chuyên đề