Người dân mua bán tại khu chợ ở Mumbai. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phát biểu trước Quốc hội ngày 29/12, Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley cho biết tăng trưởng GDP đã giảm từ mức 8% tài khóa 2015-2016 xuống còn 7,1% trong tài khóa 2016-2017.
Theo ông, tình trạng tăng trưởng chậm lại này phản ánh mức tăng chậm hơn trong ngành công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định đây có thể là hậu quả của quyết định đổi tiền bất ngờ mà Thủ tướng Narendra Modi đưa ra hồi tháng 11/2016, cũng như các cải cách thuế sau đó.
Từ giữa năm 2017, gần 7 tháng sau khi tiến hành đổi tiền, Ấn Độ đã áp dụng một cơ chế đánh thuế thống nhất, hàng hóa và dịch vụ (GST), hay còn gọi là một quốc gia một loại thuế.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất về "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2018" công bố trung tuần tháng 12 này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được dự báo vượt mức 6,7% của năm nay lên 7,2% trong năm 2018 và 7,4% trong năm 2019, qua đó giúp New Delhi tiếp tục là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo báo cáo trên, mặc dù chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại vào đầu năm 2017 và những tác động của chính sách đổi tiền song triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ vẫn rất tích cực nhờ chi tiêu tiêu dùng của người dân và đầu tư công tăng mạnh cũng như những cải cách về cơ cấu đang được chính phủ nước này thực hiện.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) - hãng tư vấn có trụ sở ở London (Anh) thậm chí còn dự báo Ấn Độ có thể vượt "hai đàn anh" là Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2018./.