Kinh tế 2021 - 2025 “chạy đà” chặng về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhưng mức tăng trưởng đi lên theo từng quý cho thấy sự nỗ lực, quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Những kết quả đạt được trong năm qua sẽ là tiền đề để năm 2024 Chính phủ, các bộ ngành, địa phương dốc toàn lực cho chặng đường về đích trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2023, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2023, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023. Trong đó, GDP quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47% và quý IV ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012 - 2013 và 2020 - 2022. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết, mặc dù không đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (6,5%), nhưng kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia cho biết, nhìn từ phía cung, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm. Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc nhờ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giá một số nguyên vật liệu chủ yếu (sắt, thép, xi măng…) hạ nhiệt. Một số ngành dịch vụ thị trường trong quý IV tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đầu năm.

Từ phía cầu, trong năm 2023, tiêu dùng chưa thể sôi động trở lại như trước đại dịch nhưng cơ bản vẫn ổn định, cả năm đạt mức tăng 3,52%, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Nhìn chung, cầu tiêu dùng vẫn là nhân tố chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, bà Hạnh nhận định.

Nhìn lại kinh tế năm 2023, bà Hạnh chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, những bất ổn về địa chính trị, kinh tế thế giới gặp khó khăn, tổng cầu phục hồi yếu, lạm phát nhiều nước vẫn ở mức cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định, đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Sản xuất công nghiệp chuyển còn chậm do sụt giảm đơn hàng, chi phí đầu vào tăng, thiếu thị trường xuất khẩu.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.

Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt và lạm phát vẫn ở mức cao. Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 chưa phát huy hiệu quả khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và của cộng đồng doanh nghiệp.

Trước thềm năm 2024, theo nhiều dự báo, những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và có thể tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đơn cử, hậu quả của đại dịch Covid 19 vẫn còn dai dẳng; lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao; nợ công tiếp tục gia tăng; thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến khó lường; áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.

Ở trong nước, theo bà Hạnh, năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ giai đoạn đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.

Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ phục hồi tích cực nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; những vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Chuyên đề