Trong danh sách 60 dự án đề nghị thanh tra, có 24 dự án ở Hà Nội, 11 dự án ở TP.HCM Ảnh: Tường Lâm |
Trước đó, Bộ Tài chính có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành đình chỉ thi công và chuyển Thanh tra Chính phủ thanh tra 60 dự án bất động sản có dấu hiệu sử dụng đất trái quy định. Trong danh sách 60 dự án, có 24 dự án ở Hà Nội, 11 dự án ở TP.HCM, các dự án còn lại nằm ở nhiều tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Nam Định và Quảng Ninh.
Trước đề nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính chuyển toàn bộ danh sách 60 cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Đất đai năm 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Không phải nhất nhất cứ phải là dự án bất động sản, mà kể cả dự án đầu tư công, dự án đầu tư nước ngoài, dự án BOT... cũng đều phải thanh tra, kiểm tra, bởi đây là một trong những công tác quản lý thường xuyên của Nhà nước, định kỳ hoặc đột xuất. Đây là việc nên làm”.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, những dự án bất động sản mà Bộ Tài chính đề xuất thanh tra là những dự án trong quá trình liên doanh, liên kết có hiện tượng là tài sản đặc biệt - giá trị quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước chưa được định giá, chưa có quy chế về góp vốn với tư nhân. Điều này có thể có những sơ hở, có thể làm thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đây chỉ mới là hiện tượng, chưa có kết quả thẩm định cụ thể. Do đó, việc thanh tra, kiểm tra là công việc hoàn toàn bình thường.
Chỉ có điều, ông Nam khuyến cáo, trong quá trình thông báo và triển khai thực hiện việc thanh tra, cần thận trọng về thông tin, vì thị trường bất động sản vốn là một thị trường rất nhạy cảm, với cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân và truyền thông. Đáng lẽ ra, theo quy trình thanh, kiểm tra, trước tiên phải là lên danh sách các dự án cần thanh, kiểm tra, sau đó phân kỳ cụ thể để thực hiện. Và khi chưa có kết luận thanh, kiểm tra thì không nên công bố là có thất thoát tài sản nhà nước hay không. Nếu “nóng vội” thông tin sẽ khiến cho doanh nghiệp đầu tư và cả doanh nghiệp góp vốn đều bị nghi oan, ảnh hưởng tới hoạt động bán hàng, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí có thể làm doanh nghiệp “chết yểu”.
“Không chống việc thanh, kiểm tra, nhưng tôi không đồng tình với việc đối xử với một số dự án lớn mang tính nhạy cảm theo kiểu nói trước, thậm chí là võ đoán trước khi thanh, kiểm tra và có kết luận cuối cùng... “Anh đi thanh, kiểm tra thì cứ đi, chỉ khi có sai phạm thì mới yêu cầu dừng dự án. “Muốn bắt người còn phải có chứng cứ”. Đó là nguyên tắc, chứ không thể đơn giản đứng ở phía Nhà nước muốn dừng thì dừng. Về phía doanh nghiệp, người ta ký hợp đồng, người ta vay vốn, có tiến độ thực hiện dự án rõ ràng. Không thể có tư duy “ban phát”, “xin - cho” tùy tiện. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, nếu ngừng dự án một ngày thì bao nhiêu tiền lương cho cán bộ công nhân viên, khấu hao máy móc cho nhà thầu thi công, lãi vay ngân hàng..., ai chịu?”, ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.
Thực tế nhãn tiền mấy ngày qua cũng cho thấy, một số chủ đầu tư dự án bất động sản bị rơi vào “tầm ngắm” nói trên như đang ngồi trên “đống lửa”. Theo phản ánh của một số chủ đầu tư, sau khi có thông tin Bộ Tài chính đề nghị thanh tra, không ít khách hàng đã liên tục gọi điện đến chủ đầu tư dự án. Có người đòi lại tiền đặt cọc vì hoang mang, lo ngại dự án sẽ gặp rủi ro về tiến độ... Có người lại chất vấn, yêu cầu chủ đầu tư chứng minh tính pháp lý, việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của dự án cũng như uy tín của doanh nghiệp. Có người lại chần chừ, do dự, trì hoãn quyết định bỏ tiền ra mua nhà, vì lo ngại rủi ro, không yên tâm trước thông tin dự án sẽ bị thanh tra, dù bất kể lý do gì... Tất cả những yếu tố này ít nhiều cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng xấu tới tốc độ bán hàng của nhiều dự án.
Để tránh lãng phí và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong các dự án này, trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thay vì tạm thời đình chỉ thi công dự án nếu chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao đất mà không qua đấu giá như kiến nghị của Bộ Tài chính, thì nên cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Nhằm khắc phục kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định thống nhất về hình thức đấu thầu lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất mà doanh nghiệp đang sở hữu. Kiến nghị này được nêu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5/2017 tại Hà Nội.