Tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2014 đối với niên độ ngân sách 2013 được đánh giá là chậm so với yêu cầu. Ảnh: Lê Tiên |
Chưa nghiêm túc thực hiện kiến nghị kiểm toán
Báo cáo về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2014 đối với niên độ ngân sách 2013 của KTNN trong năm 2015 cho thấy, kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến tháng 5 năm 2016 là 14.733 tỷ đồng, đạt 64,3% tổng số kiến nghị (năm 2013 là 63,1%), trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) là 5.880 tỷ đồng, đạt 75% (năm 2013 là 66,2%).
Theo đánh giá của KTNN, kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính niên độ 2014 còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, một số dự án đầu tư xây dựng đang trong quá trình thực hiện, chưa phê duyệt quyết toán nên đơn vị đề nghị sẽ thực hiện khi quyết toán; kiến nghị liên quan đến nội dung miễn, giảm, vướng mắc về chính sách ưu đãi đang chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc một số đơn vị đang được thanh tra, gặp khó khăn về tài chính nên chưa thực hiện kiến nghị. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã giải thể nên không còn đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện; phần lớn các đơn vị sử dụng sai nguồn kinh phí được KTNN kiến nghị bố trí nguồn để hoàn trả đều thuộc các địa phương nghèo, khó khăn về tài chính nên hầu hết đều không thực hiện được.
Về nguyên nhân chủ quan, KTNN cho rằng, nhiều đơn vị, cơ quan chưa nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện và thực hiện các kiến nghị của KTNN. “Các đơn vị đã báo cáo thực hiện, song chứng từ thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa chặt chẽ, chưa đủ bằng chứng để KTNN xác nhận kết quả thực hiện; một số kiến nghị còn chưa rõ ràng, chưa đảm bảo đầy đủ bằng chứng kiểm toán nên khó khăn cho đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện. Trong khi đó lại chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc kiến nghị của KTNN; chưa có quy định trách nhiệm công khai tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN tại các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan nên hạn chế tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán” - báo cáo của KTNN nêu rõ. Ngoài ra, đó là chưa kể tới việc các đơn vị được kiểm toán chưa kịp thời phản hồi thông tin về KTNN đối với những kiến nghị kiểm toán chưa phù hợp, thiếu khả thi...
Nhiều khoản phải nộp ngân sách
Cụ thể, KTNN kiến nghị các khoản tăng thu trị giá 8.565,6 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 8.287,3 tỷ đồng; tăng thu không thuộc NSNN 278,3 tỷ đồng. Các khoản giảm chi theo kiến nghị của kiểm toán lên tới 5.562 tỷ đồng, trong đó giảm chi NSNN 3.996,4 tỷ đồng (thu hồi các khoản chi sai chế độ 412,3 tỷ đồng; giảm thanh toán NSNN các khoản đề nghị quyết toán sai chế độ 2.468,4 tỷ đồng; giảm quyết toán NSNN các khoản đề nghị quyết toán không đúng thủ tục 484,8 tỷ đồng; giảm giá trị trúng thầu 575,6 tỷ đồng); giảm chi không thuộc NSNN 1.565,6 tỷ đồng (thu hồi hoàn trả cấp trên do xuất toán các khoản chi sai chế độ 62,3 tỷ đồng; giảm thanh toán của cấp trên do xuất toán các khoản chi sai chế độ 63,6 tỷ đồng...).
Ngoài ra, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm được KTNN đề nghị xử lý là 2.238,5 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN lên tới 3.363,3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thu hồi các khoản cho vay, tạm ứng sai quy định; xử lý nộp NSNN các khoản tạm thu, tạm giữ đã quá hạn…
KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có liên quan rà soát, xử lý dứt điểm các khoản ứng trước dự toán từ ngân sách trung ương cho các dự án đầu tư kéo dài qua nhiều năm, quá hạn nhưng chưa thu hồi với trị giá lên tới 81.707,5 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án, lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng nợ xây dựng cơ bản của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời nâng cao trách nhiệm thẩm định trong công tác phân bổ vốn hàng năm, ứng trước kế hoạch vốn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP).