Kiến nghị giảm thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá điện

(BĐT) - Trao quyền tăng giá điện quá cao cho một đơn vị lâu nay vẫn “độc quyền” trên thị trường sẽ khó đảm bảo có một thị trường điện minh bạch, cạnh tranh. 
VCCI đề nghị cân nhắc việc cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá điện mỗi năm đến 20%. Ảnh: Nhã Chi
VCCI đề nghị cân nhắc việc cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá điện mỗi năm đến 20%. Ảnh: Nhã Chi

Đây là ý kiến góp ý của VCCI đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TT (QĐ69) đang được Bộ Công Thương lấy kiến rộng rãi.

Theo VCCI, “Dự thảo Quyết định đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện, từ chỗ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được quyết định theo QĐ69 đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% giá điện mỗi năm lên đến 40% mỗi năm. Đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn, cần được xem xét, cân nhắc”. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế thuộc VCCI dẫn chứng: “Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến nay, mức độ lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm, nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Như vậy, việc trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm và Bộ Công Thương lên đến 40% là khá cao so với mức biến động giá bình thường”.

Tại văn bản góp ý này, VCCI cũng kiến nghị, đi kèm với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân, cũng cần giảm ở mức tương ứng thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá điện.

Chuyên đề