HSMT yêu cầu có phòng thí nghiệm vật liệu gần công trình, trong phạm vi 100 km là hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, lật lại hồ sơ mời thầu (HSMT), câu hỏi đặt ra, liệu HSMT có ưu ái cho nhà thầu bản địa?
“Nội soi” HSMT gói thầu nêu trên, nhiều ý kiến thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu rằng, có tiêu chí rất ưu ái cho nhà thầu bản địa. Cụ thể, trong HSMT đã yêu cầu 28 loại thiết bị với đặc điểm và số lượng đi kèm. Trong đó, Mục 28 của HSMT yêu cầu: “Có phòng thí nghiệm vật liệu gần công trình (trong phạm vi 100 km) để kiểm tra vật liệu đầu vào tại hiện trường” với số lượng 01 phòng. HSMT cũng nêu các thiết bị thi công nêu trên phải thuộc sở hữu của nhà thầu hoặc có thể thuê mướn.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp khẳng định: “Vị trí gần công trình, cụ thể là trong phạm vi 100 km đối với phòng thí nghiệm vật liệu là yêu cầu có tính chất hạn chế đối với nhiều nhà thầu, đặc biệt là với các nhà thầu đến từ địa phương khác. Yêu cầu phòng thí nghiệm vật liệu đối với một gói thầu xây lắp quy mô lớn là hoàn toàn bình thường, tuân thủ tốt các quy định về kiểm soát chất lượng xây dựng, nhưng không có nghĩa là tự ý “định vị” vị trí của phòng thí nghiệm phải gần công trình. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho các nhà thầu không phải của địa phương nơi có dự án”, một nhà tư vấn chia sẻ.
UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo xử lý kiến nghị của nhà thầu tại huyện An Minh
Ngày 27/6/2019, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản phản hồi đơn kiến nghị của nhà thầu liên quan đến Gói thầu. Theo đó, UBND Tỉnh đã nhận được văn bản của Liên danh Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình - Công ty CP Tập đoàn TPM - Công ty TNHH Xây dựng Quang Tiền về việc chưa nhận được văn bản phản hồi kiến nghị tại Gói thầu. Ngày 26/6/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đã giao Sở KH&ĐT Tỉnh kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của Nhà thầu; đôn đốc, hướng dẫn Chủ đầu tư giải quyết kiến nghị theo đúng quy định.
Và nếu đúng như những phân tích trên, việc BMT “giao” gói thầu cho Công ty TNHH Trường Phát - một nhà thầu bản địa, thường xuyên trúng thầu tại địa bàn này -là hoàn toàn dễ hiểu.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, điều đáng buồn là HSMT có những tiêu chí như nêu trên được phát hành vào thời điểm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu (CT03). CT03 đã dành nhiều nội dung để “điểm mặt chỉ tên” những hành vi cố tình hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Chỉ thị này yêu cầu HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC) được lập theo đúng mẫu tại các Thông tư do Bộ ban hành; HSMT/HSYC được lập phải khách quan, công bằng, thu hút sự tham gia cạnh tranh rộng rãi của các nhà thầu, đảm bảo tuân thủ theo đúng nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017. “Tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được”, CT03 nhấn mạnh.
Nếu UBND huyện An Minh, Ban QLDA ĐTXD cơ bản huyện An Minh không có câu trả lời cho việc đưa ra tiêu chí này, những băn khoăn của các nhà thầu vẫn chưa có lời đáp. Việc có hay không HSMT có tính cục bộ, địa phương này cần có lý giải thỏa đáng.