Kiểm soát việc sử dụng vốn vay: Đề xuất giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích là “việc cần làm” của tổ chức tín dụng (TCTD) khi cung cấp vốn cho khách hàng. Với thực tế nhiều khoản vay được sử dụng không đúng mục đích dẫn đến rủi ro và tổn thất cho ngân hàng, yêu cầu kiểm soát sử dụng vốn càng trở nên cần thiết, song cần tránh tăng thêm thủ tục hành chính và gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, quy định về việc ngân hàng phải kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích với trường hợp cho vay thanh toán tiền góp vốn là không khả thi, làm tăng thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, quy định về việc ngân hàng phải kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích với trường hợp cho vay thanh toán tiền góp vốn là không khả thi, làm tăng thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gần đây có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ quy định về “kiểm soát việc sử dụng vốn vay” tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD.

Theo đó, Thông tư 06 có hiệu lực từ 1/9/2023quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng trong quy định nội bộ của TCTD. Trong đó, yêu cầu TCTD phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng. Đồng thời, trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Về nội dung này, HoREA nhận xét, TCTD gần như không thể thực hiện được trách nhiệm phải “có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án”. Bởi lẽ, người sử dụng vốn vay “cuối cùng” là chủ đầu tư dự án, tức là “bên thứ 3”, không phải là khách hàng trực tiếp vay khoản tín dụng này.

Nhà đầu tư là khách hàng “vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án” thì số tiền vay này đã được TCTD chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư dự án, có nghĩa là khách hàng vay tín dụng đã sử dụng vốn vay đúng mục đích “vay để thanh toán tiền góp vốn”, nên không cần thiết quy định TCTD phải “kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích”.

TCTD không thể “kiểm soát việc sử dụng vốn vay” đối với chủ đầu tư dự án là “bên thứ 3” sau khi đã nhận “tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án” của nhà đầu tư, trừ trường hợp có hợp đồng vay tín dụng “tay ba” giữa nhà đầu tư (khách hàng vay tín dụng) - TCTD - chủ đầu tư dự án có thỏa thuận về quyền của TCTD được “kiểm tra, giám sát, đánh giá, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích” của chủ đầu tư dự án và không cần thiết quy định nội dung này tại tiết (ii) điểm c khoản 2 Điều 22 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Cũng theo HoREA, quy định như trên làm tăng quy trình, thủ tục, tăng “chi phí tuân thủ pháp luật” của TCTD, “gây khó” cho cả TCTD và chủ đầu tư dự án.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 94 Luật Các TCTD năm 2010 và khoản 1, 2 Điều 24 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD, TCTD có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng. Như vậy, pháp luật ngân hàng đã khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát là nghĩa vụ bắt buộc bên cho vay phải thực hiện, xuất phát từ chính những lợi ích chung của hoạt động ngân hàng.

Cũng theo ông Hùng, từ lý thuyết và thực tế cho thấy, phát sinh từ những rủi ro của bên vay (khách hàng) cũng có thể bị chuyển hóa thành những rủi ro của hệ thống ngân hàng. Do vậy, bên vay phải ý thức về nghĩa vụ của mình, tuân thủ nghiêm túc sự kiểm tra, giám sát, không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để trì hoãn, tránh né thực hiện nghĩa vụ này. Trách nhiệm của TCTD là phải kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Các quy trình, quy định trong việc cho vay của TCTD đã rất rõ ràng, cụ thể và cần được tuân thủ một cách nghiêm túc.

Từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội cho rằng, việc cho vay và kiểm soát sử dụng vốn vay là “việc cần làm” của các TCTD từ khi giải ngân vốn cho đến lúc tất toán hợp đồng vay. Tuy nhiên, việc này thường được thực hiện theo hợp đồng giữa bên vay và bên cho vay. Theo đó, bên cho vay sẽ bám sát tiến độ dự án hoặc tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh của người vay. Hoạt động này khác với việc xem xét và kiểm tra dòng tiền của doanh nghiệp.

Mặt khác, theo ông Minh, khi “việc cần làm” nói trên được quy định tại văn bản pháp lý có nghĩa là doanh nghiệp vay vốn phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo với TCTD một cách đúng và đủ quy trình, trong nhiều trường hợp sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà và bị gây khó dễ. Với TCTD, họ có thể bị đánh giá là vi phạm quy định pháp lý nếu thanh tra và phát hiện làm không đúng quy định.

“Về mặt định hướng chính sách, nội dung ‘kiểm soát việc sử dụng vốn vay’ là cần thiết, song đặt thành quy định pháp lý sẽ buộc các bên phải làm lại quy trình mới, có thể mỗi ngân hàng sẽ có yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo cách khác nhau và gây thêm thủ tục hành chính phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Minh nói.

Chuyên đề