Hoạt động sản xuất dầu thô của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Ảnh:AFP |
Trong báo cáo hôm qua, hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết các động thái quân sự có thể gây gián đoạn hoạt động nhập khẩu dầu thô của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Số dầu này chiếm tới 34% tổng giao dịch dầu toàn cầu bằng đường biển.
"Trong tình huống tồi tệ nhất, Trung Quốc có thể dùng đến dự trữ dầu chiến lược, lần đầu tiên từ khi họ bắt đầu tích trữ cách đây 3-4 năm", Chris Graham - Giám đốc phụ trách mảng khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng tại Wood Mackenzie cho biết.
Hàn Quốc và Nhật Bản có thể có động thái tương tự. Cả hai nước này đều có kho dự trữ khẩn cấp đủ dùng trong 90 ngày. Nhật Bản còn có thể tăng tốc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, để bù lại lượng dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu thiếu hụt trong trường hợp có xung đột.
Còn với Trung Quốc, hoạt động khai thác dầu mỏ trong nước có thể là một bộ đệm tốt. Tuy nhiên, việc các cơ sở sản xuất chính nằm gần biên giới Triều Tiên vẫn có thể khiến nước này gặp rủi ro.
"Trung Quốc sản xuất được dầu mỏ trong nước. Dù vậy, 58% hoạt động này vẫn có thể gặp rủi ro đình trệ trong trường hợp căng thẳng leo thang", Graham cảnh báo.
Khoảng 1,5 triệu trong số 3,95 triệu thùng dầu sản xuất tại Trung Quốc mỗi ngày đến từ vùng Hoa Bắc. Mỏ gần nhất ở đây nằm cách biên giới với Triều Tiên chỉ 200km. 0,8 triệu thùng nữa là từ mỏ Songliao, cách biên giới 400km.
Triều Tiên hôm thứ Ba phóng một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản. Việc này đã khiến giá dầu thô hôm đó nhảy vọt.
Thị trường dầu thế giới được dự báo "chịu ảnh hưởng nghiêm trọng" nếu xung đột trong khu vực diễn ra và ảnh hưởng đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. 65% hoạt động lọc dầu châu Á nằm tại các nước này. Tuy vậy, Wood Mackenzie cho rằng "hoạt động tích trữ và chi phí logistics tăng có thể đẩy giá dầu lên trong ngắn hạn".