Ảnh minh họa: Internet |
Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, khung giá mới cho các nguồn điện của các nhà máy điện chuyển tiếp thấp hơn 21 - 29% so với cơ chế giá FIT.
Cụ thể, giá điện mặt trời mặt đất là 1.184 đồng/kWh, thấp hơn 29,5% so với mức giá FIT. Giá điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng thấp hơn khoảng 21%, lần lượt là 1.587 đồng/kWh và 1.816 đồng/kWh.
Nhìn nhận về khung giá điện mới, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận nhận định: “Với khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vừa ban hành, nhà đầu tư sẽ không thể thực hiện được các dự án với 2 lý do chính. Một là những vị trí gió tốt, cho sản lượng cao đã hết. Hai là lãi vay hiện đang rất cao”.
Vì thế, ông Thịnh cho rằng, nhà đầu tư sẽ bị "thiệt đơn, thiệt kép" với các dự án điện gió và điện tái tạo chuyển tiếp. Bởi hơn một năm qua, máy móc không được vận hành, nhà đầu tư không có nguồn thu.
Về dài hạn, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận lo ngại, khung giá này có thể còn ảnh hưởng tới với những dự án đầu tư trong tương lai khi lấy làm khung giá trần áp dụng cho những dự án mới.
“Khung giá mới này có thể là trở ngại đầu tiên đối với lộ trình hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại COP 26 trong việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050”, ông Thịnh bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, một nghiên cứu thị trường của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT về khung giá điện chuyển tiếp vừa công bố chỉ ra, khung giá mới phần nào gây hụt hẫng cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã mòn mỏi vì chờ đợi quá lâu.
Theo VNDIRECT, có 3 lý do khiến nhà đầu tư năng lượng tái tạo hụt hẫng với khung giá phát điện mới cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp. Trước tiên là việc ban hành khung giá bằng VND thay vì bằng USD không phản ánh yếu tố trượt giá.
Tiếp đó, hiện tại khung giá mới cho điện mặt trời (1.184 đồng/kWh) đang dựa trên phương án thứ 4 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính toán theo thông số đầu vào của 2 Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 2, 3; trong khi các phương án 1,2,3 tính toán theo giá trị trung bình của 106 dự án điện mặt trời khác và đưa ra mức giá vào khoảng 1.400 - 1.500 đồng/kWh. VNDIRECT cho rằng, việc sử dụng giá trị tính toán của 106 dự án điện mặt trời sẽ mang tính đại diện và khách quan hơn.
Ngoài ra, không phải dự án chuyển tiếp nào cũng sẽ ghi nhận được hiệu quả sinh lời với khung giá này.
Làm rõ hơn đánh giá đưa ra, VNDIRECT cho biết, đơn vị đã tiến hành đánh giá hiệu quả tỷ suất sinh lời nội tại (IRR) của các dự án năng lượng tái tạo trong điều kiện vận hành bình thường. Tuy nhiên, kết quả nhận được là mức giá mới sẽ làm giảm đáng kể IRR của các dự án này.
Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1%, trong khi IRR của dự án điện gió trên bờ và gần bờ sẽ giảm xuống lần lượt là 8,0% và 7,9% từ mức hơn 12,0% theo giá FIT cũ. Vì vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới.
“Chúng tôi cho rằng, những doanh nghiệp có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế trong giai đoạn này”, VNDIRECT nhận định.